1. GIỚI THIỆU CHUNG
Cuộc chiến tranh dài ngày và khốc liệt đã qua đi, cuộc sống trên đất nước Việt Nam đã trở lại yên bình, nhưng hậu quả của chiến tranh vẫn còn hiện diện, trước hết là những người bị nhiễm chất độc da cam mà đế quốc Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh Việt Nam những năm 1961-1971.
Không phải đến năm 2004, khi diễn ra vụ kiện của nạn nhân chất độc da cam/điôxin đối với 37 công ty hóa chất Hoa Kỳ, dư luận quốc tế mới lên tiếng phản đối Mỹ dùng chất độc hóa học trong chiến tranh xâm lược Việt Nam và ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, mà ngay trong những năm 1961-1971, khi Mỹ trực tiếp rải chất độc hóa học xuống miền Nam Việt Nam, nhân dân thế giới, bằng nhiều hình thức khác nhau đã tỏ rõ thái độ lên án hành động của Mỹ.
2. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Bài viết chủ yếu sử dụng các phương pháp phân tích, so sánh phương pháp lịch sử-logic, phương pháp phân tích - tổng hợp, hệ thống hóa.
3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
3.1. Những cáo buộc đanh thép của giới báo chí
Cách đây nửa thế kỷ, cả thế giới đã xúc động khi nghe tin đế quốc Mỹ dùng chất độc hoá học tàn sát nhân dân miền Nam Việt Nam. Làn sóng phản đối của dư luận thế giới dâng cao khắp các châu lục; từ các nước XHCN tới các nước dân tộc chủ nghĩa; từ những nước đang đấu tranh giành độc lập, đến các nước tư bản chủ nghĩa, cũng như ngay tại nước Mỹ; từ các tổ chức quốc tế, chính phủ và đoàn thể, đến các nhà khoa học, nhân sĩ, trí thức, thanh niên, sinh viên các nước..., hình thành một trận địa dư luận quốc tế rộng rãi, lên án mạnh mẽ hành động dã man của đế quốc Mỹ xâm lược.
Với sự nhạy cảm và bản lĩnh của nhà báo, giới báo chí quốc tế kịp thời lên tiếng vạch rõ, về mặt tàn bạo, đế quốc Mỹ đã vượt cả bọn phát xít Hítle.
Báo chí khắp thế giới, kể cả báo Mỹ và phương Tây, từ cực tả đến cực hữu, đều lên án việc Mỹ dùng hơi độc là trái với các công ước Giơnevơ và La Hay, là “hành động phát xít cực kỳ vô nhân đạo nhằm tàn sát cả phụ nữ và trẻ em”, “là hành động ngu muội đến điên cuồng”, “hành động tự đào huyệt chôn mình của bọn xâm lược trong bước đường cùng”. Đế quốc Mỹ ngày càng bị cô lập và trở thành “tên tội phạm chiến tranh nhơ bẩn” đứng trước những lời buộc tội đanh thép của tòa án công lý thế giới.
Báo Cộng hòa mới (Mỹ) số ra ngày 23-3-1963 viết: “Mỹ đang dùng một số loại chất độc hóa học rất độc, điều này đã được những dòng chữ ghi trên giấy gói chứng minh. Mục đích của việc rải những chất này là để phát hiện du kích và phá hủy mùa màng của họ. Việc đó sẽ giáng một đòn vào những nông dân bất hạnh, những đàn ông, đàn bà và trẻ con…”. Đó là việc làm độc ác, trái với công pháp quốc tế, trái với nguyên tắc nhân đạo
Nhiều báo xuất bản ở Anh ngày 23-3-1965 đăng tin và xã luận kịch liệt lên án Mỹ dùng hơi độc hóa học ở Nam Việt Nam. Tờ Thời báo Luân đôn cho rằng chỉ mỗi tiếng “hơi độc” cũng khiến cho người ta kinh tởm và phẫn nộ, và dư luận thế giới sẽ không chờ nghe những lời biện bạch của Mỹ nói rằng thứ hơi đó không làm chết người”.
Báo chí quốc tế đã làm trỗi dậy một làn sóng dư luận ngày càng rộng lớn, phản đối đế quốc Mỹ sử dụng chất độc hoá học trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, đồng thời góp phần hình thành một trận địa dư luận thế giới ủng hộ nhân dân Việt Nam đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược.
3.2. Phản ứng mạnh mẽ của nhân dân thế giới
Việc đế quốc Mỹ dùng chất độc hóa học trong chiến tranh ở Việt Nam đã làm cho làn sóng chống Mỹ ở khắp nơi trên thế giới dâng lên mạnh mẽ. Khắp năm châu vang lên tiếng nói đồng tình ủng hộ nhân dân miền Nam và đòi đế quốc Mỹ chấm dứt ngay việc dùng chất độc hóa học làm phương tiện chiến tranh.
Từ những người đứng đầu các nước: Bộ trưởng Bộ ngoại giao nước CHDC Đức, Bộ Ngoại giao Liên Xô, Tổng bí thư ĐCS Italia, Thủ tướng Phiđen Caxtơrô…cho đến các tổ chức hòa bình, dân chủ và tiến bộ trên thế giới (Hội đồng Hòa bình thế giới, Liên hiệp công đoàn thế giới, tổ chức đoàn kết nhân dân Á - Phi, Liên đoàn Thanh niên dân chủ quốc tế, Hội Liên hiệp Sinh viên quốc tế, Liên đoàn Phụ nữ dân chủ quốc tế …. ) các nước Anh, Mỹ, Nhật Bản… cũng có nhiều hoạt động trong việc lên án Mỹ và cùng sát cánh với nhân dân miền Nam Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược.
Ở Cuba, nhân dân khắp nước liên tiếp họp mít tinh, biểu tình chống Mỹ rải chất độc hóa học ở miền Nam. Đài phát thanh quốc gia cứ 3 phút một lần kêu gọi nhân dân Cuba đấu tranh chống Mỹ và ủng hộ nhân dân Việt Nam. Sinh viên hơn 60 nước học ở Mátxcơva, Lêningrat, Kháccốp, Tátsơken liên tiếp họp mít tinh, lấy chữ ký lên án Mỹ và ủng hộ nhân dân miền Nam Việt Nam. Tại Nhật Bản, ngày 25-3-1965, khoảng 1 vạn nhân dân thủ đô Tôkiô do 96 tổ chức dân chủ ở Nhật Bản mít tinh, biểu tình gần hai giờ, kịch liệt phản đối đế quốc Mỹ dùng hơi độc trong cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam Việt Nam.
Sự lên án của giới khoa học cũng rất quyết liệt. Các nhà bác học Anh, Liên Xô, nhiều nhà y học Trung Quốc, Hunggari, Cuba, Mếchxích, nhiều luật gia Nhật Bản, Trung Quốc, nhiều nhân sĩ Inđônêxia, Ấn Độ, Miến Điện, Anh, Mỹ… đều nghiêm khắc lên án đế quốc Mỹ dùng chất độc hóa học làm phương tiện chiến tranh, trái với công pháp quốc tế và những nguyên tắc nhân đạo. Ngày 27-6-1963, Tạp chí Quốc gia, xuất bản ở Mỹ, đăng một bức thư của nhà bác học Anh B. Rút-xen phản đối Mỹ rải chất độc hóa học ở miền Nam Việt Nam. Bức thư viết: “Việc trước đây tôi chưa làm cho dư luận Mỹ hiểu được rõ những tình hình cụ thể về việc dùng các chất độc hóa học ở miền Nam Việt Nam đã làm tôi lo ngại… Hành động của Mỹ dùng bom napan và chất độc hóa học ở miền Nam Việt Nam là một bằng chứng tố cáo Mỹ đang tiến hành một cuộc chiến tranh tiêu diệt đối với nhân dân miền Nam Việt Nam”.
Tiêu biểu là 22 nhà khoa học Mỹ, trong đó có 7 người được giải thưởng hòa bình Nôben gửi thư cho tổng thống Mỹ Giônxơn, yêu cầu phải ra lệnh cho quân đội Mỹ ở Nam Việt Nam ngừng ngay việc dùng vũ khí hóa học và hơi độc để giết người và phá hoại mùa màng.
Sinh viên các nước cũng phản ứng mạnh mẽ việc đế quốc Mỹ sử dụng chất độc hóa học làm phương tiện trong chiến tranh Việt Nam. Ngày 9-3-1963, tại trường Đại học Lômônôxốp (Mátxcơva), 3000 sinh viên các nước Liên Xô, Cuba, Đức, Angiêri, Inđônêxia, Irắc, Nhật Bản tham dự cuộc míttinh do lưu học sinh Việt Nam tổ chức, kịch liệt lên án những hành động khủng bố của Mỹ và tay sai trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Chỉ trong một ngày, đã có 35.914 chữ ký của sinh viên các nước xã hội chủ nghĩa và sinh viên 49 nước khắp năm châu đang học tại Mátcơva, phản đối Mỹ rải chất độc hóa học, từ sinh viên các nước Campuchia, Lào, Ấn Độ đến sinh viên các nước châu Phi như Ghinê, Marốc, Camơrun…, từ sinh viên các nước châu Âu như Pháp, Anh, Italia, Hy Lạp… đến các nước châu Mỹ như Braxin, Mêhicô, Sili… Cũng trong tháng 3-1965, 3.000 giáo sư và sinh viên trường đại học Michigân (Mỹ) biểu tình chống chính sách xâm lược của chính quyền Giônxơn ở Nam Việt Nam và dùng hơi độc làm phương tiện chiến tranh. Cùng thời gian đó, khoảng 1.200 giáo sư, giảng viên và sinh viên trường đại học Côlômbia tại Niu óoc đã biểu tình phản đối Mỹ. Nhiều giáo sư, sinh viên đã lên diễn đàn đọc diễn văn và chiếu phim nói rõ yêu cầu của nhân dân Mỹ đòi đế quốc Mỹ rút khỏi miền Nam Việt Nam.
Đông đảo phụ nữ các nước cũng lên án Mỹ rải chất độc hóa học đối với nhân dân miền Nam Việt Nam. Đáng chú ý là những cuộc biểu tình của phụ nữ Mỹ tại Oasinhtơn. Những người biểu tình đi trên 60 chiếc xe ca chạy qua trung tâm thành phố, đến Bộ Quốc phòng Mỹ, đòi chấm dứt chính sách xâm lược ở Việt Nam và đưa nghị quyết lên án việc dùng hơi độc và bom napan ở Nam Việt Nam. Đoàn biểu tình sau đó lại kéo đến phủ tổng thống Mỹ phản đối việc dùng hơi độc trong chiến tranh Nam Việt Nam.
Cũng tại nước Mỹ, nhiều thượng nghị sĩ Mỹ, cả những người trong Đảng Dân chủ lẫn Đảng Cộng hòa, trong đó có người ở trong tiểu ban ngoại giao của Quốc hội Mỹ đều đòi chính quyền Giônxơn phải chấm dứt ngay việc dùng chất độc, vì việc đó sẽ làm cho Mỹ bị lên án là kẻ áp bức dã man, vô nhân đạo.
Đài phát thanh Giải phóng ngày 19-2-1967 phát lời một sĩ quan Mỹ bị bắt nói với nhân dân Mỹ: vì quyền lợi cao nhất của mình, nước Mỹ phải chấm dứt cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Chính phủ Mỹ đáng ra cần phải chấp nhận tình hình thực tế đó và rút lui khỏi miền Nam Việt Nam, thì ngược lại, họ càng lao sâu vào miền Nam Việt Nam một cách rồ dại. Lính Mỹ, Sáclơ Gơrít tuyên bố: “Việc tôi tự ý rời bỏ quân đội Mỹ là một sự phản đối dứt khoát cuộc chiến tranh bẩn thỉu, vô nhân đạo mà chính phủ Mỹ đang theo đuổi ở Việt Nam”.
Trận địa dư luận quốc tế cũng là một bộ phận của đấu tranh cách mạng. Trong những năm 1961-1971, dư luận quốc tế phản đối Mỹ gây chiến tranh xâm lược nói chung, sử dụng chất độc hoá học, trong đó có chất điôxin diễn ra trên quy mô rộng lớn, liên tục, sôi nổi, lôi cuốn đông đảo các tầng lớp xã hội tham gia, với những hình thức đấu tranh phong phú. Ngay tại nước Mỹ, cũng vang lên những tiếng nói đanh thép, lên án Chính phủ Mỹ rải chất độc hóa học ở Nam Việt Nam. Đó là việc làm thiết thực, làm cho đế quốc Mỹ bị cô lập, đồng thời góp phần giúp nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập tự do; góp phần bảo vệ đạo lý và công lý, vì mục tiêu hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
3.3. Tiếng chuông công lý ngay trên đất Mỹ
Gần nửa thế kỷ đã qua đi, những tội ác của đế quốc Mỹ trong việc sử dụng chất độc da cam/điôxin ở Việt Nam một lần nữa bị dư luận thế giới lên án mạnh mẽ. Trong phiên tranh tụng đầu tiên của vụ kiện 37 công ty hóa chất Mỹ tại Tòa án Liên bang Mỹ, quận Brooklyn (1-3-2005), tiếng nói của 50 luật sư đại diện cho các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, các nhân chứng và cả thế giới đã gióng lên một hồi chuông công lý ngay tại nước Mỹ.
Sự kiện này đã thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế, nhiều tiếng nói ủng hộ quyền lợi hợp pháp của các nạn nhân. Dư luận Mỹ, đặc biệt các cựu binh Mỹ rất quan tâm và ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/điôxin Việt Nam. Chủ tịch Hội Cựu chiến binh vì hòa bình Mỹ khẳng định: “Các nạn nhân Việt Nam đang tham gia vào vụ kiện tương tự như vụ kiện các cựu chiến binh Mỹ trước đây. Điều đó là công bằng. Nếu những cựu chiến binh Mỹ bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam được bồi thường thì những nạn nhân Việt Nam cũng phải nhận được sự quan tâm đặc biệt” .
Quỹ hòa giải và phát triển Đông Dương (FRD), một tổ chức phi chính phủ Mỹ và tổ chức Chiến dịch trách nhiệm và cứu trợ nạn nhân chất độc da cam/điôxin Việt Nam (VAORRC) của các cựu binh từng tham chiến ở Việt khẳng định sự ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam/điôxin Việt Nam cho đến khi họ đòi được công lý. Theo kết quả thăm dò thì có 51,4% số người Mỹ đòi Chính phủ Mỹ phải bồi thường cho nạn nhân chất độc da cam/điôxin Việt Nam.
Trong thời gian diễn ra phiên tranh tụng, báo chí, đài phát thanh các nước đều đưa tin, nhân dân thế giới theo dõi sát sao và ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/điôxin Việt Nam. Đài MBC, một trong ba kênh truyền hình lớn nhất Hàn Quốc đã cử đoàn làm phim đến Việt Nam thực hiện phóng sự: “Hành trình đi tìm công lý”. Phong trào lấy chữ ký ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam/điôxin Việt Nam được dấy lên mạnh mẽ trong nước và quốc tế với 11,5 triệu chữ ký, 70 vạn chữ ký trực tuyến trên mạng gửi tới Tổng thống Mỹ G.Bush, Tổng thư ký Liên Hợp quốc C. Anan và giám đốc Công ty sản xuất hóa chất Monsanto (Mỹ), nhằm giúp các các nạn nhân chất độc da cam/điôxin Việt Nam trong vụ kiện.
Vụ kiện trải qua thời gian 5 năm 3 tháng, qua hai phiên tòa sơ thẩm Tòa án liên bang tại quận Brooklyn và tòa phúc thẩm ở Tòa kháng án liên bang khu vực 2 ở New York. Mặc dù ngày 2-3-2009 tòa án Tối cao Mỹ bác đơn thỉnh cầu của nguyên đơn Việt Nam nhưng vụ kiện của các nạn nhân da cam Việt Nam đã giúp cho nhân dân nhiều nước trên thế giới hiểu rõ hơn về thảm họa chất da cam đối với môi trường và sức khỏe con người. Đây là tội ác chiến tranh mà giới chức Mỹ cố tình bưng bít trong suốt 50 năm qua. Một phong trào quốc tế ủng hộ cuộc đấu tranh đòi công lý từ nhân dân và cựu chiến binh các nước tham chiến cùng Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, từ những nước có đặt kho lưu chứa hoặc trạm trung chuyển chất da cam của Mỹ đến Việt Nam và từ nhân dân những nước đã từng là nạn nhân của việc sử dụng chất diệt cỏ có chứa điôxin của Mỹ đang hình thành. Nạn nhân da cam không chỉ là 3,1 triệu người Việt Nam, mà là nhiều triệu người nữa ở nhiều nước.
4. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
Trong thời đại ngày nay, khi nhân loại đang tiến đến sự đồng thuận về lương tri và đạo đức thì những nạn nhận bị nhiễm chất độc da cam ở Việt Nam hiện nay chính là minh chứng đau lòng về cuộc sống đời thường như thế. Không biết bao nhiêu gia đình phải chịu đau đớn cả về thể xác và tinh thần vì di chứng chất độc da cam cần được dẫn ra làm nhân chứng cho vết thương chiến tranh cũng như tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ? Bao nhiêu kiếp sống đang chết chậm để làm bằng cớ cho phiên xử lương tri về chất độc da cam? Cần có nhiều phiên tòa hơn nữa, nhiều sự lên án, phản đối hơn nữa của nhân loại để đấu tranh cho công lý, cho sự tái lập hòa bình và sự giải phóng của những người bị áp bức. Phiên tòa mà chúng ta cần đến là để chống tội ác chiến tranh, tội ác văn minh mà sự đền bù chỉ có ý nghĩa xoa dịu những nỗi đau đớn còn tồn tại của chiến tranh cũng như để nhắc nhở những tội ác chiến tranh đã được tiến hành. Đó là lương tâm, lương tri của nhân dân thế giới trước những tội ác của đế quốc Mỹ cần được lên án để bù đắp phần nào những đau thương của bao thế hệ nhân dân và dân tộc Việt Nam đã đang và sẽ còn phải gánh chịu.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1]. Vụ kiện của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam: Một số khía cạnh pháp lý cơ bản, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, Số 10 - 2004.
[2]. Nỗi đau da cam (2012), NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội.