1. GIỚI THIỆU CHUNG
Tư tưởng của Hồ Chí Minh về nông nghiệp là một bộ phận hợp thành tư tưởng kinh tế của Người, bao gồm những quan điểm toàn diện và sâu sắc được rút ra từ thực tiễn cách mạng Việt Nam, trên cơ sở kế thừa và phát huy những giá trị, kinh nghiệm của lịch sử đấu tranh dựng nước – giữ nước dân tộc ta, là sự kế thừa, vận dụng sáng tạo tinh hoa văn hóa nhân loại mà đỉnh cao là chủ nghĩa Mác - Lênin nhằm xây dựng và phát triển nông nghiệp Việt Nam từ sản xuất nhỏ, manh mún, lạc hậu tiến dần lên nền nông nghiệp hiện đại, có khả năng cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân lao động.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về nông nghiệp không những có giá trị lý luận to lớn mà còn có giá trị thực tiễn vô cùng quan trọng đã và đang được Đảng và Nhà nước ta quán triệt, vận dụng trong việc hoạch định đường lối, chính sách để từng bước xây dựng phát triển kinh tế nông nghiệp nước ta theo hướng hiện đại và bền vững..
2. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Tư tưởng Hồ Chí Minh về vị trí, vai trò của nông nghiệp không phải là lý luận chung chung mà gắn với thực tiễn chỉ đạo cách mạng của Hồ Chí Minh. Vì thế, trong nghiên cứu tư tưởng của Người về nông nghiệp, phải quán triệt quan điểm thực tiễn, nguyên tắc thống nhất lý luận và thực tiễn. Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về vị trí, vai trò của nông nghiệp, sử dụng phương pháp phổ biến là phương pháp duy vật biện chứng và phương pháp duy vật lịch sử. Ngoài ra còn sử dụng: phương pháp hệ thống; phương pháp lôgíc và lịch sử…
3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
Hồ Chí Minh đã lựa chọn con đường phát triển cho dân tộc Việt Nam tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội sau khi nước nhà hoàn toàn độc lập. Là một nhà lãnh đạo chiến lược, Hồ Chí Minh sớm thấy được rằng: Muốn nâng cao đời sống của nhân dân, tiến lên xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, với mục tiêu: “Chủ nghĩa xã hội là làm sao cho nhân dân đủ ăn, đủ mặc, ngày càng sung sướng, ai nấy được đi học, ốm đau có thuốc, già không lao động thì nghỉ…”[1], trước hết phải không ngừng phát triển nền kinh tế quốc dân. Mà vấn đề cơ bản hàng đầu để phát triển kinh tế, Hồ Chí Minh xác định đó chính là bắt đầu từ nông nghiệp.
Nông nghiệp với Hồ Chí Minh luôn có một vị trí,vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển nền kinh tế - xã hội cũng như trong việc nâng cao đời sống của nhân dân. Nâng cao đời sống nhân dân cũng là mục tiêu cao nhất của chủ nghĩa xã hội theo quan điểm của Hồ Chí Minh. Trong tư tưởng của Người: nông nghiệp là gốc, nông nghiệp là chính, nông nghiệp là mặt trận chính, nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, nông nghiệp là mặt trận cơ bản, nông nghiệp là việc quan trọng nhất… Người cho rằng: Việt Nam là một nước sống về nông nghiệp, nền kinh tế lấy canh nông làm gốc, do vậy: “Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”[1]. Bên cạnh đó ở nước ta công nghiệp chưa phát triển, tỷ trọng GDP của công nghiệp còn thấp. Phải từ nông nghiệp để giải quyết vấn đề đời sống trước mắt. Hơn nữa, sau chiến tranh nhiều làng mạc bị tàn phá, hàng chục vạn ha đất bị hoang hóa, các công trình thủy lợi lớn đều bị phá hỏng, đê điều không được củng cố, thiên tai dồn dập, nạn đói diễn ra thường xuyên. Chủ trương khôi phục và chú trọng phát triển nông nghiệp, giải quyết nạn đói cho nông dân chính là tạo tiền đề kinh tế đưa nông dân đi dần vào con đường xã hội chủ nghĩa. Từ đó, Hồ Chí Minh coi việc tập trung phát triển nông nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân và yêu cầu các ngành khác phải lấy việc phục vụ nông nghiệp làm trung tâm. Người viết:“ Hiện nay Đảng và Chính phủ có quyết định khôi phục kinh tế mà sản xuất nông nghiệp là chính”[4].
Đánh giá vị trí, vai trò của nông nghiệp, Hồ Chí Minh coi phát triển nông nghiệp là nhân tố đầu tiên, là tiên quyết giải quyết mọi vấn đề xã hội. Nông nghiệp giải quyết nhu cầu quan trọng nhất, cơ bản nhất, cấp thiết nhất của con người là nhu cầu ăn, mặc, ở. Trong đó, ăn là nhu cầu đầu tiên. Chỉ khi nào thỏa mãn được các nhu cầu ăn trên một mức độ nhất định thì người ta mới nghĩ đến những nhu cầu cao hơn. Người nhấn mạnh:“Dân dĩ thực vi thiên”, “nghĩa là dân lấy ăn làm trời, nếu không có ăn thì không có trời”.
Hồ Chí Minh còn cho rằng: “…Nông nghiệp là nguồn cung cấp lương thực và nguyên liệu, đồng thời là nguồn xuất khẩu quan trọng, nông dân là thị trường tiêu thụ to lớn nhất hiện nay”[4], phát triển nông nghiệp thì mới có cơ sở để phát triển các ngành kinh tế khác, tạo điều kiện cho công nghiệp hóa nước nhà.
Trong quá trình công nghiệp hóa đất nước, đây là nội dung Hồ Chí Minh coi là nhiệm vụ trọng tâm suốt thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội, Người đã đánh giá rất cao vị trí và vai trò của nông nghiệp. Ở chặng đường đầu của thời kỳ quá độ, Hồ Chí Minh khẳng định: “ Muốn phát triển công nghiệp, phát triển kinh tế nói chung phải lấy việc phát triển nông nghiệp làm gốc, làm chính. Nếu không phát triển nông nghiệp thì không có cơ sở để phát triển công nghiệp”[4].
Đặc biệt trong mối quan hệ hữu cơ giữa ba ngành quan trọng nhất của nền kinh tế quốc dân, Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh đến vị trí, vai trò của nông nghiệp đối với công nghiệp và thương nghiệp. Hồ Chí Minh luôn coi công nghiệp và nông nghiệp là hai ngành kinh tế quan trọng nhất và có tác động qua lại với nhau rất mật thiết. Người đã nhiều lần nhấn mạnh: “Công nghiệp và nông nghiệp là hai chân của nền kinh tế”[1]. Người dùng hẳn từ “què”,“khập khiễng” để phê phán sự phát triển không đồng bộ giữa công nghiệp và nông nghiệp, để lưu ý toàn Đảng, toàn dân phải chú ý đúng mức đến phát triển nông nghiệp. Là “hai chân của nền kinh tế” phải phát triển vững chắc cả hai: “Công nghiệp và nông nghiệp phải giúp đỡ lẫn nhau và cùng nhau phát triển, như hai chân đi khỏe, đi đều thì tiến bước sẽ nhanh và nhanh chóng đi đến mục đích”[1]
Trong sự nghiệp cách mạng, theo Hồ Chí Minh, phát triển nông nghiệp để sản xuất ra nhiều lương thực thực phẩm là một mặt trận quan trọng, liên quan đến sự thành bại của chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Hồ Chí Minh nhiều lần nhấn mạnh đến câu châm ngôn Hán Việt “thực túc binh cường”. Là một chiến lược gia và nhà quân sự tài ba, Hồ Chí Minh nhận thức rất rõ vai trò to lớn của hậu phương. Hậu phương là chỗ dựa của tiền phương, là nơi quyết định sự thành bại của của mọi cuộc chiến tranh. Trong chiến tranh, nhân tố quyết định là vấn đề quân lương. Khi quân đội được cung cấp đủ lương thực, thực phẩm thì sức mạnh được nhân lên rất nhiều. Đó là nhân tố quyết định sự thành bại nơi chiến trường. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, năm 1949, trong bài Việt Bắc quyết thắng, Người viết: “…Lúc này, quan trọng nhất là nông nghiệp, vì “có thực mới vực được đạo”[1]
Bên cạnh đó, đã làm rõ quan điểm của Hồ Chí Minh về xây dựng, phát triển một ngành nông nghiệp toàn diện. Ngành nông nghiệp đó không phải trong một nền kinh tế thuần nông mà là trong một nền kinh tế bền vững hiện đại, với sự phong phú về ngành nghề, đa dạng hóa về sản phẩm...Theo Người:“Sản xuất phải toàn diện, sản xuất thóc là chính, đồng thời phải coi trọng hoa màu, cây ăn quả, cây công nghiệp, chăn nuôi, thả cá và nghề phụ”[1].
4. KẾT LUẬN
Từ thực tiễn và yêu cầu phát triể̉n đấ́t nước, với khoảng 70% dân số là nông dân, vấn đề nông nghiệp, luôn được Đảng, Nhà nước hết sức coi trọng, trong quá trình phát triển của Cách mạng Việt Nam. Vai trò của nông nghiệp, được cụ thể̉ hóa với quyết tâm chính trị cao nhấ́t của Dảng và Nhà nước thông qua Nghị Quyết số 26-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương lần thứ 7 (khóa X) ngày 5/8/2008. Sau hơn 25 năm đổi mới, đây là lần đầu tiên Đảng ta có một nghị quyết toàn diện nhất về vấn đề nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Đây cũng là Nghị quyết hợp với ý Đảng, lòng dân, đã tạo ra những động lực mới cho phát triển nông nghiệp Việt Nam bền vững. Bên cạnh đó, trong công cuộc đổi mới đất nước, Đảng ta luôn nhấn mạnh công tác tổng kết lý luận và thực tiễn, trên cơ sở đó, xác định được những bước đi đúng đắn trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội. Vì vậy, nghiên cứu và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về nông nghiệp có một ý nghĩa vô cùng to lớn trong việc hoạch định chủ trương, chính sách, đường lối để xây dựng nông nghiệp Việt Nam tiên tiến, hiện đại, toàn diện, bền vững đóng góp hiệu quả hơn vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] CD – Rom Hồ Chí Minh toàn tập (xuất bản lần thứ ba); Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật; năm 2013.
[2] TS. Phạm Ngọc Anh (2003), Bước đầu tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh về kinh tế, nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội.
[3] PGS,TS. Phạm Ngọc Anh, PGS, TS. Bùi Đình Phong (2011), Vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin của Hồ Chí Minh và Đảng ta thời kỳ trước đổi mới, nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội
[4] PTS. Nguyễn Thế Hinh, GVC Phạm Văn Bằng (1998), Tư tưởng Hồ Chí Minh, nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội.
[5] Phan Ngọc Liên chủ biên (2005), Hồ Chí Minh những chặng đường lịch sử, nhà xuất Hải Phòng, Hải Phòng.
[6] GS.TS.NGND Phan Ngọc Liên (2010), Chiến sĩ quốc tế Hồ Chí Minh hoạt động thực tiễn và lý luận cách mạng, nhà xuất bản chính trị quốc gia, Hà Nội.
[7] TS Nguyễn Văn Lương (2009), Tư tưởng Hồ Chí Minh về kinh tế, nhà xuất bản chính trị quốc gia, Hà Nội.
[8] PGS.TS Nguyễn Huy Oánh (2004), Tư tưởng Kinh tế Hồ Chí Minh với việc xây dựng nền kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội.
[9] Ban Tuyên giáo Trung ương (2010), Tư tưởng Hồ Chí Minh chương trình sơ cấp lý luận chính trị, nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội.
[10] PGS.TS Cao Ngọc Thắng (2008), Tư duy kinh tế Hồ Chí Minh, nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội