12/5/2014 11:00:00 AM
Print: Print this Article Email: Print this Article Share: Share this Article

Trần Thị Ngọc Thúy
Trường Đại học Thủy lợi. Email: tranngocthuy@wru.edu.vn

 

 


1. GIỚI THIỆU CHUNG

 

 

Trong lịch sử kháng chiến chống ngoại xâm của các dân tộc thuộc địa, chưa có thời kỳ nào và ở nơi đâu cuộc chiến đấu của nhân dân nước bị xâm lược lại có ảnh hưởng to lớn và sâu rộng đến nước đi xâm lược và tạo nên một phong trào phản chiến dữ dội như ở Mỹ khi đế quốc Mỹ xâm lược Việt Nam (1954-1975). Đó cũng là hiện tượng có một không hai trong lịch sử nước Mỹ.

 

 

Phong trào phản chiến ở Mỹ có một quá trình hình thành và phát triển, từ nhỏ đến lớn; từ thức tỉnh lương tâm dư luận, tuyên truyền vận động nâng nhận thức của quần chúng nhân dân, đến tổ chức đấu tranh có kế hoạch, có tổ chức như mọi cuộc đấu tranh chính trị khác. Mỗi cuộc đấu tranh cụ thể của các tầng lớp nhân dân Mỹ, cho dù có ủng hộ Việt Nam chống Mỹ hay không, đều có lợi cho sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam, vì nó làm cho tình hình chính trị nước Mỹ không ổn định, góp phần cô lập cao độ đế quốc Mỹ xâm lược ngay tại nước Mỹ.

 

 

2. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

 

 

Bài viết chủ yếu sử dụng các phương pháp phân tích, so sánh, đối chiếu để làm rõ quá trình phát triển của phong trào phản chiến với nhiều hình thức phong phú, lực lượng tham gia rộng lớn.

 

 

Tác giả vận dụng một số phương pháp khác như: phương pháp lịch sử-logic, phương pháp phân tích - tổng hợp, hệ thống hóa.

 

 

3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

 

 

3.1 Những dấu hiệu của phong trào phản chiến (1954-1960)

 

 

Không phải ngay từ đầu dư luận nước Mỹ đã phản đối chính sách can thiệp và xâm lược của chính quyền Mỹ ở Việt Nam, mặc dù đế quốc Mỹ vấp phải sự phản kháng mạnh mẽ của dư luận tiến bộ trên thế giới. Chính quyền và nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa, chính quyền một số nước dân tộc chủ nghĩa, nhân dân lao động và lực lượng hòa bình, dân chủ ở các nước dân tộc chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa đã tố cáo sự can thiệp của đế quốc Mỹ vào Việt Nam, đòi chúng phải tôn trọng hiệp nghị Giơnevơ năm 1954 về Việt Nam. Tại nhiều nước đã có những đợt đấu tranh mạnh mẽ lên án hành động đàn áp, khủng bố dã man của bọn Mỹ và chính quyền tay sai đối với những người yêu nước ở miền Nam Việt Nam, tiêu biểu là đợt đấu tranh lên án vụ dùng thuốc độc thảm sát những người yêu nước bị giam ở trại tập trung Phú Lợi năm 1958.

 

 

Trong giai đoạn 1954-1960, người dân Mỹ chưa hiểu rõ về cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam, nên không tỏ ra quan tâm đến tình hình Việt Nam, thậm chí có người còn ủng hộ hành động của Tổng thống do sự bưng bít, và tuyên truyền xuyên tạc về sứ mệnh của nước Mỹ vì một “thế giới tự do”. Chiến tranh Việt Nam dần trở thành mối quan tâm của nhân dân toàn thế giới. Tại nước Mỹ, do tác động của dư luận quốc tế, cùng những tổn thất đầu tiên của lục quân và không quân Mỹ trên chiến trường, những tốn kém của cuộc chiến tranh khiến cho phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam ở Mỹ hình thành và ngày càng phát triển, nhất là trong thanh niên, sinh viên, phụ nữ và người Mỹ da đen. Số thương vong của lính Mỹ trên chiến trường Việt Nam ngày càng tăng, thì sự phản kháng của nhân dân Mỹ ngày càng mạnh. Họ mất dần đi niềm tin và không muốn ủng hộ hành động chiến tranh của chính quyền Mỹ.

 

 

3.2. Sự hình thành và bước khởi đầu của phong trào (1960-1965)

 

 

Khi chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ bắt đầu, cũng là lúc ở Mỹ nổi lên những tiếng nói phản đối chiến tranh. Mở đầu là những kiến nghị của những nhóm trí thức và nhà tu hành. Tiêu biểu là 14 tổ chức quần chúng Mỹ ký tên trong truyền đơn vạch trần tính chất phi nghĩa của cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam…(21-9-1963)[3,tr.6].

 

 

Tiếp đó, phong trào bùng phát sôi nổi trong sinh viên các trường đại học như: Ann Arbor, Berkeley, Columbia, Cornell, Detroit, Howard, Madixon, Stanford…., lôi cuốn nhiều tầng lớp trong nhân dân Mỹ.

 

 

Từ năm 1964, phong trào phản đối chiến tranh có lan rộng nhưng chưa mạnh. Khi những binh đoàn quân Mỹ vào miền Nam Việt Nam, phong trào mới vượt khỏi phạm vi phản kháng bằng những kiến nghị, thư ngỏ của các tri thức, nhân sĩ và các nhà tu hành, để đi vào đông đảo sinh viên đại học và các tầng lớp nhân dân để rồi biến thành những cuộc biểu tình, đấu tranh tích cực và sôi nổi. Nhược điểm lớn của phong trào là chưa có sự tham gia tích cực của giai cấp công nhân. Chưa có những cuộc bãi công, biểu tình lớn của công nhân chống chiến tranh Việt Nam

 

 

3.3 Phong trào phát triển lên đỉnh cao với hình thức đấu tranh phong phú, lôi cuốn đông đảo quần chúng tham gia (1965-1968)

 

 

Phong trào chống chiến tranh xâm lược Việt Nam ngày càng phát triển ngay trong lòng nước Mỹ, mà trước hết là vì quyền lợi thiết thân của thanh niên Mỹ đang bị động viên mỗi tháng mấy vạn người. Hàng chục nghìn cuộc mít tinh, biểu tình với sự tham gia của hàng chục vạn người khắp nước Mỹ làm cho giới cầm quyền Mỹ phải điên đảo. Có đợt đấu tranh thu hút tới hơn 1 triệu người ở 412 thành phố thuộc 37 bang.

 

 

Năm 1967 diễn ra ba đợt đấu tranh phản chiến lớn của nhân dân Mỹ: “Động viên mùa xuân”; “Tuần lễ chống chiến tranh xâm lược Việt Nam” và “Tuần lễ phản đối chiến tranh Việt Nam và chống quân dịch”. Đây là cuộc đấu tranh toàn quốc huy động đông người nhất xưa nay, đồng thời là cuộc đấu tranh đẫm máu của người da đen Mỹ.

 

 

Từ phong trào thanh niên Mỹ phản đối gay gắt việc đi lính, bằng cách đốt thẻ quân dịch, tuyệt thực…với tinh thần: “Đốt thẻ quân dịch, không đốt trẻ em”, “Thà ở tù còn hơn đi chết thay cho Giôn xơn” đã gây nên sự phản ứng dây chuyền trong khắp nước Mỹ, hình thức đấu tranh càng trở nên quyết liệt hơn. Nhiều người tự thiêu để phản đối chiến tranh như: cụ bà Alice Herz, 82 tuổi, ở thành phố Detroit, cụ là thành viên của Liên đoàn phụ nữ Quốc tế vì hòa bình tự do (WILPF) và tổ chức phụ nữ đấu tranh cho hòa bình (WSP); anh Noocman Morisơn tự thiêu ngay dưới cửa sổ phòng làm việc của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Mắc Namara (2-11-1965), anh Rôgiơ La Poóctơ tự thiêu trước trụ sở Liên Hiệp quốc (9-11-1965), chị Xilin Gianxaoski tự thiêu ngay ở nhà mình (đêm 10-11-1965) làm bùng lên ngọn lửa căm phẫn trong toàn thể nhân dân Mỹ.

 

 

Một hình thức đấu tranh độc đáo, gây ảnh hưởng không chỉ trong nước mà cả thế giới. Đó là những cuộc “đấu lý”, “tranh luận” (teach-in) tại các trường đại học ở  Mỹ. Các teach-in đã khuấy động được dư luận trước những sự thật được đưa ra ánh sáng làm xói mòn lòng tin đối với chính quyền và đối với tổng thống Giônxơn. Người dân Mỹ đổ xô đi tìm đọc những báo chí, sách vở nói về chiến tranh Việt Nam, và tìm đến các buổi teach-in.

 

 

Phong trào phản chiến còn thu hút cả những chính khách nổi tiếng, có thế lực cũng tỏ rõ thái độ phản đối chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ và ủng hộ nhân dân Việt Nam và lan vào cả trong chính giới và giới cầm quyền đồng thời kết hợp với phong trào đòi tự do dân chủ của đồng bào da đen của phụ nữ Mỹ đòi đưa ngay chồng con họ về nước, đòi chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam…

 

 

Phong trào phản chiến ở Mỹ và ủng hộ nhân dân Việt Nam mạnh mẽ như vậy trước hết bắt nguồn từ nhận thức cho rằng hành động xâm lược, can thiệp Việt Nam của đế quốc Mỹ là phi nghĩa, đối lập với nguyện vọng chính nghĩa của nhân dân Việt Nam là hoà bình, độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Đó là vấn đề được những người Mỹ phản chiến khai đem ra thảo luận trong hàng trăm cuộc, trước hàng vạn, hàng chục vạn sinh viên, giáo sư, trí thức, làm cho những người trước kia bênh vực sự can thiệp vũ trang của Mỹ phải lúng túng. Nhiều thanh niên, binh sĩ Mỹ gọi “Cuộc chiến tranh ở Việt Nam là chiến tranh của Giôn xơn”, “Giônxơn hãy đi mà đánh lấy” chứ không phải chiến tranh của dân tộc Mỹ cũng chính là vì tính chất phi nghĩa của cuộc chiến tranh ấy. Nhân dân Mỹ cũng như dư luận thế giới hiểu rõ rằng nhân dân ta chiến đấu không vì độc lập tự do của mình mà còn vì nền độc lập tự do của các dân tộc, vì nền hòa bình trên toàn thế giới.

 

 

3.4. Sự phát triển thành “Cuộc chiến ngay trong lòng nước Mỹ” (1969-1975)

 

 

Từ năm 1969 Mỹ ngày càng gặp nhiều khó khăn về chính trị, quân sự, kinh tế, tài chính. Phong trào đấu tranh của nhân dân Mỹ đòi chấm dứt chiến tranh, rút hết quân Mỹ về nước cùng với phong trào đấu tranh của công nhân và nhân dân lao động Mỹ, người da đen ở Mỹ đòi cải thiện đời sống, đòi các quyền dân chủ, tác động mạnh mẽ đến hàng ngũ quân đội Mỹ ở Việt Nam.

 

 

Nội bộ giới cầm quyền Mỹ mâu thuẫn ngày càng gay gắt, đông đảo thanh niên, nhân dân Mỹ, những người Mỹ yêu chuộng hòa bình và chính nghĩa biểu tình chống tập đoàn Níchxơn; bảo vệ danh dự nước Mỹ và quyền lợi chính đáng của mình.

 

 

Cuộc xuống đường biểu tình ở 1.200 thành phố và thị trấn trong cả nước Mỹ, thu hút hàng triệu người. Sinh viên đấu tranh chống đăng ký quân dịch, binh sĩ đấu tranh đốt thẻ quân dịch. Phong trào lan rộng sang đông đảo binh sĩ và thanh niên Mỹ. Sinh viên đấu tranh chống đăng ký quân dịch, binh sĩ đấu tranh đốt thẻ quân dịch. Tháng 4-1971, theo số liệu chính thức của Quốc hội Mỹ, có hàng chục vạn thanh niên Mỹ chạy sang các nước Canada, Tây Đức, Thụy Điển… nhằm trốn quân dịch, 13.000 thanh niên Mỹ bị tòa kết án do trốn quân dịch; 93.000 lính Mỹ trẻ đào ngũ bị truy tố…

 

 

Nạn đào ngũ trong binh lính Mỹ ngày càng lan rộng tới mức trở thành một bất ngờ lớn đối với Bộ Quốc phòng Mỹ. Họ cho rằng “thà ngồi tù còn hơn là sang tham chiến ở Việt Nam”. “Theo số liệu của Lầu Năm Góc, chỉ trong 10 tháng (từ tháng 7-1970 đến tháng 4-1971), số binh sĩ Mỹ bỏ trốn đã lên tới 68.449 người – tương đương với 4 sư đoàn”[18, tr.39].

 

 

Theo sau nạn đào ngũ, các nhà cầm quyền Mỹ còn phải đối phó với nguy cơ của sự xói mòn quân kỷ, sa sút tinh thần trong quân đội Mỹ dẫn đến nhiều hành động cực đoan, tuyệt vọng trong binh lính Mỹ. Đó là một vấn đề nghiêm trọng không những trong chiến tranh mà cả trong thời kỳ hậu chiến. Từ năm 1969 đến tháng 11-1971, Lầu Năm Góc thống kê chính thức 520 trường hợp ném lựu đạn vào các sĩ quan chỉ huy

 

 

Phong trào phản chiến ở Mỹ còn thu hút mạnh mẽ những cựu chiến binh (VET)  khi mãn hạn quân dịch trở về nước. Tiêu biểu có các tổ chức: Cựu binh từ Việt Nam về chống chiến tranh, Cựu binh vì hòa bình, Cựu binh và quân trừ bị để chấm dứt chiến tranh.

 

 

Mặc dù tính chất quần chúng của phong trào còn hạn chế nhưng phong trào nhân dân Mỹ phản đối chiến tranh ở Việt Nam là phong trào phản chiến lớn nhất chưa từng thấy trong lịch sử nước Mỹ. Đó là biểu hiện của sự bắt đầu thức tỉnh về chính trị của nhân dân Mỹ trước những chính sách chiến tranh của Chính phủ Mỹ, có tác dụng thức tỉnh các tầng lớp xã hội, chuẩn bị điều kiện cho sự phát triển sôi sục của phong trào trong thời gian tiếp theo.

 

 

4. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ 

 

 

Phong trào nhân dân Mỹ chống chiến tranh xâm lược Việt Nam phát triển từ thấp đến cao, diễn ra trên quy mô rộng lớn, lôi cuốn đông đảo quần chúng tham gia với những hình thức đấu tranh phong phú. Quy mô của phong trào ngày càng phát triển theo sự leo thang và tăng cường xâm lược của đế quốc Mỹ ở Việt Nam.

 

 

Lịch sử nhân loại cho thấy, mỗi cuộc chiến tranh xâm lược tự nó sớm muộn sẽ tạo ra lực lượng chống đối ở chính nước đi gây chiến, và tùy tính chất của cuộc chiến tranh đó mà thái độ và hành động phản chiến ở mức độ nào. Cuộc chiến tranh Việt Nam diễn ra sau Chiến tranh thế giới thứ hai, trong hoàn cảnh nhiều dân tộc trên thế giới đứng trước tình hình phải chọn một trong hai con đường, hoặc là bảo vệ nền độc lập dân tộc, dân chủ và hòa bình, hoặc là cam chịu để các thế lực đế quốc thống trị. Cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam là đại diện cho lương tâm thời đại, tiêu biểu cho độc lập và hòa bình, nên các thế lực gây chiến quyết tiêu diệt cho bằng được. Mỹ xâm lược Việt Nam nằm trong chiến lược toàn cầu của Mỹ nhằm kiểm soát nhiều vùng đất đai giàu tài nguyên và nhân lực, nên đã đụng chạm đến lợi ích quốc gia nhiều dân tộc, trong đó có lợi ích và danh dự của chính nhân dân Mỹ. Đó là một trong những yếu tố quan trọng đưa quần chúng Mỹ vào phong trào phản chiến.

 

 

Phong trào nhân dân Mỹ phản đối chiến tranh Việt Nam là một phong trào lớn chưa từng có trong lịch sử nước Mỹ. Chưa khi nào chính quyền Mỹ bị nhân dân phản đối mạnh mẽ, bền bỉ như trong cuộc chiến tranh này. Về mặt khách quan, phong trào đó hoàn toàn có lợi cho cuộc chiến đấu vì độc lập tự do của dân tộc Việt Nam.

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

 

 [1]. Alan Brinkley (1995):  American History A survey, Boston, McGraw- Hill.

 

 

[2].   Quỳnh Cư (1966): Phong trào nhân dân Mỹ phản đối cuộc chiến tranh xâm lược ở miền Nam Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, Số 91.

 

 

[3].   Joe Allen (Đào Tuấn dịch) (1976): Việt Nam cuộc chiến thất bại của Mỹ, (Vietnam the (last) war the U.S. lost), Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội.

 

 

[4].   Lưu Quý Kỳ (1967), Phong trào nhân dân thế giới chống Mỹ, ủng hộ Việt Nam, NXB Sự Thật, Hà Nội.

 

 

[5].   Peter Lowe (1998), The Vietnam war: Problems in focus, University Manchester, Macmillan press Ltd.

 

 

[6].   Phụ nữ thế giới ủng hộ chúng ta, Nxb. Phụ nữ, 1977.

 

 

[7].   Ngô Văn Quỹ (2005): Cuộc chiến trong lòng nước Mỹ, Nxb. Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh.

 

 

[8].  Trần Trọng Trung (2001): Phong trào phản chiến của nhân dân Mỹ trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam, Tạp chí Lịch sử Đảng, Số 11, tr. 36-39.

 

 

Các tin khác