Nguyễn Thị Phương Mai
Trường Đại học Thủy lợi
1. GIỚI THIỆU CHUNG
Lý thuyết “Cái vòng luẩn quẩn” và “cú huých” từ bên ngoài thuộc nhóm các lý thuyết tăng trưởng và phát triển kinh tế của Samuelson[1] - nhà kinh tế học người mỹ. Theo lý thuyết này, có bốn nhân tố ảnh hưởng tới tăng trưởng và phát triển kinh tế là: nhân lực, tài nguyên thiên nhiên, cấu thành tư bản và kỹ thuật công nghệ. Tuy nhiên ở các nước đang phát triển cả bốn nhân tố trên đều khan hiếm và, điều đó dẫn đến các nước đang phát triển đều vướng phải cái “vòng luẩn quẩn” của sự đói nghèo. Vì vậy để phá vỡ cái “vòng luẩn quẩn” cần phải có một “cú huých” từ bên ngoài vào. Chính “cú huých” này sẽ giúp các nước đang phát triển phá vỡ được vòng luẩn quẩn từ đó mới có thể cất cánh. Vậy, cái “vòng luẩn quẩn” mà các nước đang phát triển đang vấp phải là gì? Yếu tố nào được coi là “cú huých” có thể phá vỡ được cái “vòng luẩn quẩn” của sự đói nghèo? Là một nước đang phát triển, Việt Nam đã vận dụng lý thuyết này như thế nào? Trên cơ sở nghiên cứu lý thuyết tăng trưởng và phát triển kinh tế của Sammuelson và thực trạng phát triển kinh tế Việt Nam hiện nay, bài viết này sẽ góp phần làm rõ những câu hỏi nêu trên và đề xuất một số giải pháp đối với Việt Nam trong quá trình vận dụng lý thuyết này nhằm thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển nhanh và bền vững.
2. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
- Phương pháp hệ thống hóa cơ sở lý luận.
- Phương pháp khảo sát thực tiễn.
3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
3.1. Sự cần thiết nghiên cứu
Năm 2009, Việt Nam đã chính thức bước vào nhóm nước có thu nhập trung bình. Đây là cột mốc quan trọng, mở ra nhiều cơ hội mới cho sự phát triển của nền kinh tế nước ta. Tuy nhiên, sự tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam những năm vừa qua chủ yếu dựa vào việc khai thác tài nguyên và sử dụng lao động giá rẻ; từ việc dựa vào nguồn vốn FDI, ODA. Còn nguồn lực thực sự cho tăng trưởng là giá trị mới do các chủ thể trong nước tạo ra dựa vào năng suất, chất lượng rất thấp, tức là sự tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam những năm qua mới chỉ là tăng trưởng về số lượng, mà chưa có sự tăng trưởng về mặt chất lượng.
Những số liệu gần đây cho thấy tốc độ tăng trưởng trung bình của Việt Nam bắt đầu xu thế suy giảm nhanh và liên tục từ cuối 2007, và đến cuối 2012 nằm ở mức thấp nhất kể từ 2000. Trong khi đó, tăng trưởng các nước ASEAN đều khởi sắc hơn kể từ giai đoạn cuối 2009, sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, việc mở cửa, hội nhập là xu thế khách quan, đó vừa là một cơ hội, vừa là một thách thức đối với sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam. Vì vậy, việc nghiên cứu, vận dụng lý thuyết “cái vòng luẩn quẩn” và “cú huých từ bên ngoài” vào quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam; phân tích những kết quả đã đạt được cũng như hạn chế của sự vận dụng lý thuyết này thời gian qua từ đó đề xuất các giải pháp để sự vận dụng này có hiệu quả hơn là có ý nghĩa quan trọng.
3.2. Lý thuyết “cái vòng luẩn quẩn” và “cú huých” từ bên ngoài của Sammuelson
3.2.1. Cách phân loại các nước trên thế giới
Theo phân loại của Ngân hàng thế giới, các nước trên thế giới được chia thành các nhóm như sau: (1) Nước có thu nhập thấp – LIC (Low Income Countries) là những nước có thu nhập GNI tính trên đầu người từ 995 đô la trở xuống; (2) Nước có thu nhập trung bình thấp (Low Midle Income) là nước có thu nhập GNI tính trên đầu người từ 996 đô la đến 3.945 USD; (3) Nước có thu nhập trung bình cao (Up Midle Income) là nước có thu nhập GNI tính trên đầu người từ 3.946 đến 12.195 USD; (4) Nước có thu nhập cao (High Income Countries) là nước có thu nhập GNI tính trên đầu người trên 12.196 USD
Trong những năm 1950 và 1960, người ta thường gọi: Nhóm các nước có thu nhập cao là các nước phát triển; Nhóm các nước có thu nhập trung bình là các nước đang phát triển; Nhóm các nước có thu nhập thấp là các nước kém phát triển. Nhưng hiện nay, có xu hướng dùng thuật ngữ các nước đang phát triển để chỉ cả các nước đang phát triển và các nước kém phát triển.
3.2.2. Đặc trưng cơ bản của các nước đang
phát triển
(1) Mức sống thấp.
Mức sống thấp biểu thị cả về mặt chất và về mặt lượng: thu nhập thấp, thiếu nhà ở; sức khỏe kém, ít được học hành, tuổi thọ thấp…Mức thu nhập thấp thể hiện rõ nhất ở mức thu nhập bình quân đầu người (GNP/người). Điều này phản ánh khả năng hạn chế của các nước đang phát triển trong việc giải quyết những nhu cầu cơ bản của con người.
(2) Tỷ lệ tích lũy vốn thấp
Các nước nông nghiệp thường dành khoảng 10% thu nhập để tiết kiệm. Mà phần lớn số tiết kiệm này này được dùng chi phí vào nhà ở và các trang bị cần thiết khác cho số dân đang tăng. Vì vậy càng hạn chế quy mô tích lũy.
(3) Trình độ kỹ thuật của sản xuất thấp
Nền kinh tế chủ yếu là nền sản xuất nông nghiệp truyền thống, nên sản xuất nhỏ, phân tán manh mún, lao động thủ công lạc hậu. Nông nghiệp không chỉ là một nghề mà còn là một phong cách sống ở các nước đang phát triển.
Dân số đa số sống ở nông thôn; lực lượng lao động chủ yếu là lao động nông nghiệp chiếm tới 65%-75% (tỷ lệ này ở các nước phát triển chỉ là 10%); giá trị sản phẩm nông nghiệp đóng góp lớn trong tổng GDP.
(4) Năng suất lao động thấp
Thiếu vốn và công nghệ hiện đại, kỹ thuật sản xuất công nghiệp lạc hậu, quy mô sản xuất nhỏ, năng suất lao động thấp, GDP bình quân đầu người thấp, tỷ lệ tăng trưởng GDP thấp; tiết kiệm thấp nên tích luỹ thấp (dưới 10% GDP).
Ngoại thương kém phát triển, thường là nhập siêu. Hàng xuất khẩu thường là hàng nguyên liệu và sơ chế. Khoảng cách chênh lệch về trình độ phát triển với các nước phát triển cao. Sự phụ thuộc vào các nước phát triển về cả thương mại, công nghệ, viện trợ nước ngoài và chuyên gia.
Với những đặc trưng trên, các nước đang phát triển đều vấp phải một “cái vòng luẩn quẩn”.
Đó là:
Tiết kiệm & đầu tư thấp è Tốc độ tích lũy vốn thấp è Năng suất lao động thấp è Thu nhập bình quân thấp è Tiết kiệm & đầu tư thấp…
Trong cái “vòng luẩn quẩn của sự nghèo đói” đó, nguyên nhân cơ bản là thiếu vốn. Để phá vỡ “cái vòng luẩn quẩn” cần có "cú huých từ bên ngoài". Cú huých này chính là về vốn, công nghệ, chuyên gia... Do vậy, mở cửa cho đầu tư nước ngoài được Sammuelson xem là giải pháp thực tế nhất đối với các nước đang phát triển.
3.3. Sự vận dụng lý thuyết “cái vòng luẩn quẩn” và “cú huých” từ bên ngoài vào quá trình phát triển kinh tế ở Việt Nam
Trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, đầu tư nước ngoài được xem là một trong những trụ cột góp phần vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Năm 1987, Việt Nam ban hành Luật Đầu tư nước ngoài trong bối cảnh kinh tế – xã hội còn phát triển ở mức rất thấp, cơ sở hạ tầng nghèo nàn, khoa học và công nghệ lạc hậu, nguồn nhân lực dồi dào nhưng phần lớn trong lĩnh vực nông nghiệp và chưa qua đào tạo. Từ khi thực hiện Luật Đầu tư nước ngoài (nay là Luật Đầu tư năm 2005) đến nay, Việt Nam đã thu hút được một khối lượng đáng kể các nguốn vốn từ bên ngoài. Năm 2006, Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Sự kiện này đánh dấu bước ngoặt lớn trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Các dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam tăng đột biến, nhất là nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Năm 2007, lượng vốn FDI đăng ký đạt 21,348 tỷ USD, tăng gần 80% so với năm 2006 (năm 2006 đạt 12,044 tỷ USD), và đạt mức kỷ lục gần 72 tỷ USD vào năm 2008.
3.3.1. Những kết quả đạt được
Thứ nhất, Các nguồn vốn đầu tư nước ngoài đã góp phần bổ sung vốn cho nền kinh tế và tăng thu ngân sách cho Việt Nam.
Thứ hai, thông qua chuyển giao công nghệ cung cấp công nghệ mới cho các nước. Đồng thời, chuyển giao công nghệ đã góp phần hình thành một đội ngũ các cán bộ, công nhân có trình độ kỹ thuật và tay nghề cao, góp phần làm tăng năng lực nghiên cứu và phát triển công nghệ của nước chủ nhà.
Thứ ba, Việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài giải quyết công ăn việc làm và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Thứ tư, góp phần mở rộng hợp tác đầu tư với các nước, mở rộng thị trường và thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, đặc biệt sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
3.3.2. Những hạn chế
Bên cạnh những đóng góp tích cực, đầu tư nước ngoài, đặc biệt là FDI cũng đã và đang tạo ra những tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.
Thứ nhất, phần lớn các doanh nghiệp có vốn FDI tập trung vào khai thác lợi thế giá nhân công rẻ, nguồn tài nguyên có sẵn, thị trường tiêu thụ dễ tính để lắp ráp, gia công sản phẩm tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Vì vậy, cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam không thay đổi, tập trung chủ yếu các mặt hàng nông, thuỷ sản, thực phẩm và các mặt hàng có giá trị gia tăng thấp như dệt may, tạp phẩm chiếm đến 49,4%.
Thứ hai, do mục tiêu lợi nhuận cao, các doanh nghiệp có vốn FDI cũng đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, làm giảm tính bền vững của tăng trưởng kinh tế.
Thứ ba, do các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chủ yếu tập trung vào đầu tư tại các khu vực đô thị lớn nên một mặt, đây là một trong những nguyên nhân làm gia tăng khoảng cách phát triển giữa vùng đô thị và vùng nông thôn, giữa miền ngược và miền xuôi. Mặt khác, điều này cũng làm gia tăng sức ép cho các đô thị này về dân số, hạ tầng đô thị.
3.3.3. Một số đề xuất về giải pháp đối với Việt Nam trong bối cảnh phát triển hiện nay
Mặc dù đã đạt được những kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, khẳng định môi trường kinh doanh Việt Nam đã có sự cải thiện đáng kể trong những năm qua. Tuy nhiên, trước bối cảnh sự cạnh tranh mạnh mẽ trong thu hút đầu tư giữa các quốc gia, Việt Nam cần:
Thứ nhất, đổi mới mạnh mẽ cơ chế chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, tạo môi trường kinh doanh hấp dẫn. Cần thu hút và sử dụng có lựa chọn nguồn đầu tư nước ngoài hơn là chạy theo số lượng, cần tính đến hiệu quả kinh tế và sự phát triển bền vững cũng như đảm bảo về môi trường. Tập trung nguồn vốn (nhất là FDI) vào các ngành sản xuất có giá trị gia tăng cao, các ngành công nghệ cao, ít tiêu tốn năng lượng, không làm cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Có chính sách nhằm tăng cường các mối quan hệ, liên kết giữa các công ty xuyên quốc gia (TNCs) với DN trong nước, giữa các DN đầu tư nước ngoài với nhau.
Thứ hai, phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng, quy hoạch hợp lý các khu công nghiệp tại các địa phương, đặc biệt chú trọng hình thành các khu công nghệ cao thu hút đầu tư nước ngoài để nâng cao hiệu quả của khu vực FDI.
Thứ ba, phát triển nguồn nhân lực theo hướng chuyên môn hoá, tập trung đào tạo nguồn nhân lực có kỹ thuật, tay nghề và trình độ quản lý tốt để chủ động hơn, sẵn sàng nắm bắt và tiếp nhận công nghệ ở trình độ cao.
4. KẾT LUẬN
Lý thuyết “cái vòng luẩn quẩn” và “cú húych từ bên ngoài” có nhiều điểm phù hợp khi áp dụng vào tình hình kinh tế xã hội nước ta. Việt Nam hiện đang trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa mạnh mẽ. Cũng giống như các nước đang phát triển khác, Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn về vốn, kỹ thuật và trình độ nhân lực.
Vì vậy thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài chính là một “cú huých” cho sự phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên vai trò của vốn đầu tư nước ngoài, của FDI chỉ thực sự phát huy hiệu quả và góp phần vào sự phát triển bền vững khi nó được lựa chọn và khuyến khích vào những ngành, những khu vực thật sự cần thiết cho nền kinh tế để đảm bảo tính bền vững cho phát triển lâu dài và phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá của Việt Nam.
Để thực hiện được điều này, cần có hệ thống chính sách đồng bộ, cần có sự ổn định kinh tế vĩ mô và thống nhất về pháp luật để vừa thu hút nhiều vốn đầu tư, vừa sử dụng đầu tư đó một cách có hiệu quả, góp phần thúc đẩy kinh tế tăng trưởng và phát triển bền vững.
TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH
[1]. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011
[2]. Harvard University, John F. Kennedy School of Gorvernment, Chương trình châu Á (2008). Lựa chọn Thành công: Bài học từ Đông Á và Đông Nam Á cho tương lai của Việt Nam.
[3]. Trần Bình Trọng, 2008, Lịch sử các học thuyết kinh tế, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân.
[4]. Kỷ yếu hội thảo khoa học về “Chủ trương, chính sách mới thu hút mạnh mẽ các nguồn lực bên ngoài”; Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh tổ chức, tháng 12/2013...
[5]. Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 19/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh;
[6]. World Bank: World Development Report 2010
[1]Paul Anthony Samuelson, Nhà kinh tế học người Hoa Kỳ, tác giả “Kinh tế học”