12/5/2014 10:59:00 AM
Print: Print this Article Email: Print this Article Share: Share this Article

Nguyễn Quốc Luật

 

 

Khoa Lý luận chính trị, Trường Đại học Thủy lợi

 

 


1. GIỚI THIỆU CHUNG

 

 

Chất lượng bài giảng trên lớp là một trong những khâu quyết định của việc nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục. Sau khi đã có sách giáo khoa tốt, thì việc phấn đấu có bài giảng tốt có ý nghĩa quyết định trong toàn bộ các khâu giáo dục của nhà trường.

 

 

Dù mỗi người học có trong tay một cuốn sách giáo khoa thuộc loại hoàn hảo, và đó là điều cơ bản, thì cũng không thể thay thế được vai trò của giảng viên ở trên lớp. Nếu không thì đã không cần đặt vấn đề nâng cao chất lượng giảng dạy. Như vậy vai trò của giảng viên ở trên lớp thể hiện tập trung ở bài giảng.

 

 

Sách giáo khoa là “Cương lĩnh”, là điểm tựa để giảng viên theo đó mà hành động trên bục giảng. “Cương lĩnh” là quan trọng nhưng phải được cụ thể hóa, bức phác thảo còn cần phải được tô đậm để nổi rõ chân dung, chỉ dừng ở điểm tựa thôi thì chưa tạo ra sức bật, tuy rằng muốn có sức bật phải có điểm tựa. Do đó, khâu lên lớp là một sự kế tục tất yếu cho giáo khoa, và việc phấn đấu để có những bài giảng tốt trở thành yêu cầu bức thiết đối với một cán bộ giảng dạy.

 

 

Chúng ta cần thống nhất thế nào là một bài giảng tốt? Chúng tôi không có tham vọng trả lời thấu đáo vấn đề đặt ra đó. Chỉ xin nêu lên dưới dạng những nhận xét, kinh nghiệm của bản thân và kinh nghiệm của đồng nghiệp về lĩnh vực các môn lý luận chính trị.

 

 

Theo chúng tôi, một bài giảng tốt phải đạt được ba yêu cầu cơ bản như sau:

 

 

1- Bảo đảm đầy đủ tính khoa học, cơ bản, hiện đại và thực tiễn;

 

 

2- Khêu gợi sự suy nghĩ khoa học độc lập và sáng tạo của người học;

 

 

3- Có phương pháp truyền thụ tốt.

 

 

Đó là những vấn đề có nhiều nội dung rộng lớn, mỗi vấn đề đều xứng đáng được bàn đến với tư cách là một chuyên đề. Ở đây chỉ xin phác họa những đường nét lớn.

 

 

2. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

 

 

- Phương pháp phân tích lý luận.

 

 

- Khảo sát thực tiễn

 

 

3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

 

 

3.1. Bảo đảm đầy đủ các tính khoa học, cơ bản, hiện đại và thực tiễn

 

 

Tính khoa học, trước hết là nói đến yêu cầu truyền đạt chính xác khái niệm, phạm trù, nguyên lý, quy luật… mà bất cứ một bài giảng nào đều phải có. Chúng là những công cụ rất quan trọng của nhận thức, của tư duy, là công cụ để diễn đạt tư tưởng. Kinh nghiệm cho thấy nếu hiểu không đúng những phạm trù, quy luật… thì người ta không có được chỗ dựa để nghiên cứu tiếp những vấn đề một cách đúng đắn nữa. Nếu hiểu chúng sai lạc thì người ta không có được ngôn ngữ chung để cùng nghiên cứu và thảo luận bất cứ vấn đề gì. Người ta không chỉ khác nhau về quan điểm, mà còn khác nhau về cách hiểu nội dung các nguyên lý, phạm trù, và có không ít trường hợp, chính sự bất đồng thuộc loại sau dẫn đến sự bất đồng thuộc loại trước.

 

 

Truyền đạt chính xác cái khái niệm, phạm trù… không phải chỉ là sự nhắc lại đúng nguyên bản từng câu, từng chữ, mà quan trọng hơn là nêu lên được thực chất của chúng, cái cốt lõi tinh túy nhất của chúng; lý giải chúng một cách sống động bằng những minh họa thực tế, không bắt buộc giảng viên trong trường hợp nào cũng phải nói ra, nhưng bắt buộc người giảng phải nắm vững những phạm trù, nguyên lý đó lấy từ nguồn nào, chúng được bàn đến trong hoàn cảnh cụ thể nào, và vì vậy chúng là cái đơn nhất, đặc thù hay phổ biến.

 

 

Tính khoa học đòi hỏi việc giới thiệu các khái niệm, phạm trù, nguyên lý… theo từng nấc thang của nhận thức, gắn với nội dung trình bày, không được vượt cấp. Chúng được đề cập toàn bộ hay một phần nội dung là tùy theo yêu cầu của bài giảng, gắn với nội dung của bài giảng. Ví dụ: phạm trù Dân chủ được bàn đến trong nhiều môn trong các môn lý luận chính trị, nhưng mỗi môn nó được bàn đến với mức độ và góc độ khác nhau. Đưa những kiến thức thuộc phạm vi bài sau vào bài trước, của môn học này vào môn học khác để giải quyết là lạc chỗ, không khoa học.

 

 

Tính cơ bản trong một bài giảng yêu cầu phải giải quyết những trọng tâm, trọng điểm gì về nội dung kiến thức cũng như về nội dung tư tưởng chính trị. Chúng tôi nghĩ rằng trong một bài giảng, bao giờ cũng có một hoặc vài cái nút nhất định, mà bấm chúng nó sẽ mở ra nhiều cánh cửa khác nhau. Phải có một quan niệm rất rõ ở người giảng rằng “sợi chỉ đỏ”, “đường trục” xuyên suốt bài này là gì, mà nắm được nó sẽ giúp lần ra được những sợi chỉ khác, những đường nhánh khác. Nó là “linh hồn” của cả bài. Những cái “nút thần”như vậy, trong sách giáo khoa không nói lên được và bản thân người học tự mình không phải ai cũng phát hiện ra được. Một bài giảng dàn đều, trải rộng, cái gì cũng bày ra như trong một cửa hàng tạp hóa, chính phụ không phân biệt, hoặc nhắc lại một cách giản đơn những điều đã nói trong sách, sẽ có rất ít tác dụng đối với người học.

 

 

Nhất thiết không được để mình sa vào những sự việc quá chi ly, vụn vặt dù rất lý thú, những câu chuyện dài dòng nhiều khi khá hấp dẫn đối với người học; nhưng những sự việc đó, câu chuyện đó không quan trọng lắm đối với việc giải quyết nội dung cơ bản của bài. Làm như vậy là chỉ thấy cây mà quên rừng, làm cho cái lắng đọng ở người học sau mỗi buổi giảng không phải là cái mà ta mong muốn mà là những tình tiết ngoài rìa. Khi mà thời lượng ở trên lớp được quy định chặt chẽ hơn thì điều đó càng phải được chú ý.

 

 

Khi nói tập trung giảng những vấn đề cơ bản, điều đó không có nghĩa là không đả động gì đến những vấn đề không cơ bản.

 

 

Vấn đề quan trọng là ở mức độ, ở liều lượng đề cập đến những vấn đề không phải là cơ bản.

 

 

Một bài giảng tốt phải phản ánh được những thành tựu nghiên cứu mới nhất về vấn đề đang trình bày. Những thành tựu nghiên cứu ở trong nước và ngoài nước. Nói cách khác, bài giảng phải có tính hiện đại. Hãy thử xem vấn đề mà mình đang nói đến nay có đặt vấn đề gì mới, nội dung có gì bổ sung, kết cấu thay đổi như thế nào, có cách lý giải nào hay, thêm những số liệu gì mới,…? Nếu chịu khó sưu tập tài liệu và biết khai thác, bài giảng chắc chắn sẽ phong phú, súc tích.

 

 

Trên thế giới hiện nay, chỉ một chuyên môn hẹp trong một ngành khoa học nào đó trong một năm cũng đã có đến hàng ngàn sách báo và tạp chí bàn đến. Nếu một người suốt ngày chỉ làm công việc theo dõi những thông tin mới nhất của môn học của mình thôi, thì cũng không tài nào theo dõi hết (ước tính chỉ đạt 1/10). Đó là đặc điểm của “thời đại bùng nổ thông tin”.

 

 

Một bài giảng tốt phải là một bài giảng có tính thực tiễn cao. Nghĩa là nó phải gắn với cuộc sống của nhân dân mình, với thời đại mà mình đang sống. Bài giảng đó phải gắn với một lĩnh vực nào đó của cuộc sống, với đường lối, chủ trương của Đảng trong từng thời kỳ lịch sử nhất định. Tùy theo vị trí của môn học và từng bài học, nó phải góp phần giải đáp một mặt nào đó mà cuộc sống đang đặt ra, nó luận chứng và soi sáng một vấn đề nào đó thuộc về đường lối, chủ trương của Đảng. Tính thực tiễn tạo thành một trong những nội dung lý luận và tư tưởng quan trọng nhất mà một bài giảng nhất thiết phải có.

 

 

3.2. Khêu gợi sự suy nghĩ khoa học, độc lập, sáng tạo của người học

 

 

Vấn đề này dính rất chặt với vấn đề phương pháp hay phương pháp lý luận. Yêu cầu người học nắm được phương pháp tất yếu dẫn đến sự suy nghĩ khoa học, độc lập, sáng tạo của họ. Nếu chỉ biết học thuộc lòng từng câu chữ, thậm chí nhớ cả đoạn trích dẫn dài dòng và chỉ dừng lại ở đó thôi, thì nhiều lắm người học cũng mới nắm được một mớ kiến thức chết. Nhiệm vụ của người giảng là làm cho những kiến thức chết đó sống lại, không chỉ nắm được nó mà còn vận dụng được nó, dùng nó như một phương pháp để nhận thức và tìm hiểu hiện thực.

 

 

Học là để hành, từ học đến hành có một khoảng cách. Cái dùng để lấp khoảng cách đó là phương pháp. Dĩ nhiên, để có một phương pháp tốt và biết cách vận dụng nó thì không chỉ ở nhà trường và người giảng làm là đủ, mà còn phải có cuộc sống và bản thân người học. Nhưng bước đầu tiên cơ bản để hình thành phương pháp chính là ở nhà trường.

 

 

Cần làm gì để người học có phương pháp và biết vận dụng phương pháp để nhận thức và hành động? Đó là toàn bộ thực chất của vấn đề khêu gợi sự suy nghĩ độc lập, sáng tạo của người học.

 

 

Nắm phương pháp còn là nắm phương pháp của môn học. Giảng viên phải vận dụng các phương pháp riêng có của môn học để tìm hiểu nội dung. Làm như vậy người học sẽ nắm được chiều sâu của nội dung: từ cách đặt vấn đề, đến kết cấu nội dung, mối liên hệ giữa phần này với phần khác,…Điều này giúp rèn luyện tư duy khoa học cho học viên. Trong kinh tế chính trị học đó là các phương pháp trừu tượng hóa khoa học, logic kết hợp với lịch sử, phân tích và tổng hợp, quy nạp và diễn dịch,…

 

 

Tóm lại, nhấn mạnh phương pháp không có nghĩa là coi nhẹ nội dung lý luận và khái niệm, phạm trù … Trái lại, có hiểu thấu đáo cái sau mới có cơ sở để nắm cái trước. Điều bắt buộc là, phải từ khái niệm, phạm trù và lý luận tiến đến nắm được phương pháp, đó là yêu cầu cao nhất của việc học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng
Hồ Chí Minh.

 

 

3.3. Có phương pháp truyền thụ tốt hay là nghệ thuật giảng dạy

 

 

Kinh nghiệm cho thấy, chất lượng và hiệu quả của một bài giảng phụ thuộc rất lớn vào phương pháp truyền thụ. Một vở kịch có nội dung hay nhưng diễn xuất yếu thì tác dụng kém đi nhiều. Công tác giảng dạy có cái gì gần giống như vậy. Giảng dạy là thông tin - vì vậy trước hết người giảng phải quan tâm đến đối tượng tiếp nhận thông tin, tức đối tượng người học. Tại sao có những bài giảng cùng một nội dung và một phương pháp, cùng một giảng viên đó, thế mà ở lớp này học viên hoan nghênh, ở lớp khác học viên phản ứng? Đó là vì cùng một món ăn đem đến cho hai người có khẩu vị khác nhau. Trước khi giảng cần nghiên cứu đến chừng mực nào đó đối tượng người học: Trình độ văn hóa và lý luận, tuổi tác nghề nghiệp, chức vụ,… tìm hiểu kinh nghiệm của những người đã giảng trước để chuẩn bị cho mình phương pháp thích hợp.

 

 

Nghệ thuật giảng dạy đòi hỏi sự rung cảm của giảng viên. Nhà chính trị, trong khi diễn thuyết, người thầy trên bục giảng, cần phải có sự xúc động, rung cảm như các nhà thơ trong khi sáng tác hoặc bình thơ. Một sự rung động chân thành, sâu lắng, chứ không ồn ào, khoa trương. Nếu bản thân người giảng không rung cảm, say sưa, hứng thú với bài giảng của mình thì khó lòng truyền cảm tới người nghe được. Điều đó là dễ hiểu. Nhưng làm thế nào để có hứng thú?

 

 

Để giảng giải tốt, phải bổ sung cho tín hiệu ngôn ngữ bằng tín hiệu hình ảnh, viết, vẽ trên bảng, bằng biểu đồ, bản đồ …

 

 

Phải coi tiêu chuẩn cuối cùng của chất lượng bài giảng là ở sự tiếp thu tốt hay không của người học. Ở đây, ngoài nội dung và phương pháp giảng dạy nói trên, vấn đề âm lượng và tốc độ âm thanh, truyền đạt một thông lượng lớn nhất trong một thời lượng  ngắn nhất, đối với giảng viên có một ý nghĩa quan trọng.

 

 

4. KẾT LUẬN

 

 

Tóm lại, theo chúng tôi, một bài giảng tốt phải đạt được ba yêu cầu cơ bản như trên. Trên thực tế, hiện nay ở một người giảng viên khó có thể kết hợp được tất cả các ưu điểm đó. Tuy vậy, nêu ra một yêu cầu toàn diện vẫn là cần thiết để tự giác phấn đấu vươn lên./.

 

 

 

Các tin khác