12/5/2014 11:11:00 AM
Print: Print this Article Email: Print this Article Share: Share this Article

Nguyễn Thị Ngọc Dung

Trường Đại học Thủy lợi. Email: [email protected]

1. GIỚI THIỆU CHUNG

Mục tiêu nghiên cứu của báo cáo nhằm làm rõ quá trình trọng dụng nhân tài của dân tộc ta từ xa xưa đến nay. Có thể nói từ xa xưa đến nay ông cha ta thường có truyền thống trọng dụng nhân tài, trí thức và cũng hiểu được vai trò của nhân tài, trí thức, chính vì thế Thân Nhân Trung đã nói: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Nhân tài, trí thức từ xưa đến nay thường không hiếm, thời nào cũng có, thời Lý có tiến sĩ Lê Văn Thịnh, thời Trần có Lê Văn Hưu.. và thời nào cũng được quan tâm, trọng dụng, thời nhà Lý 1070, Vua Lý Nhân Thánh Tông đã cho mở trường, lập Văn Miếu, Thời Trần, nhà nước lập Quốc học viện để các nho sĩ vào học.

Bên cạnh đó, báo cáo cũng làm rõ khái niệm Nhân tài: Nhân tài thường là những người có tài năng xuất sắc, có những cống hiến về lý luận chính trị, kinh tế, khoa học, kỹ thuật, lãnh đạo, quản lý nổi trội hơn những người bình thường. Đó là những con người học rộng, học sâu, tài cao, giàu óc sáng tạo, tư duy sắc sảo, độc đáo, có khả năng dự báo, làm việc độc lập, tự chủ,...Đó là các nhà khoa học, nhà lý luận, nhà chính trị, nhà quân sự, nhà văn hóa, nhà giáo dục, nhà ngoại giao, thầy thuốc, nghệ nhân. Nghệ sĩ, nhà kinh doanh... tầm cỡ.

Ở mức độ sâu hơn, báo cáo lần lượt làm rõ quá trình trọng dụng nhân tài của dân tộc ta qua các thời kỳ lịch sử từ thời Lý(1010) cho đến thời Trần, Lê – Mạc đều thể hiện truyền thống trọng dụng nhân tài của dân tộc ta. Đến thế kỷ XX, Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, chủ tịch Hồ Chí Minh nghĩ ngay đến việc đào tạo và trọng dụng nhân tài. Qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, và ngày nay trong công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước đều thể hiện rõ những cố gắng của Đảng và Nhà nước ta trong chính sách trọng dụng người tài.

Báo cáo cũng làm rõ hơn một số những chính sách, kiến nghị với Đảng, Nhà nước trong việc sử dụng nhân tài, trí thức trong giai đoạn hiện nay.

2. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Trước hết báo cáo đứng trên lập trường chủ nghĩa duy vật biện chứng, đứng trên quan điểm của Đảng và Nhà nước để giải quyết nhiệm vụ bài báo đặt ra.

 Ngoài ra báo cáo sử dụng các phương pháp nghiên cứu cụ thể: phương pháp lịch sử, phương pháp logic, các phương pháp trong liên ngành khoa học xã hội và nhân văn.

3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Dân tộc Việt Nam ta có truyền thống văn hiến lâu đời, từ ngàn đời nay ông cha ta đã coi trọng trí thức và nhân tài, điều đó được khắc ghi trong văn bia văn miếu Quốc tử giám: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh và hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế, các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sỹ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần kíp. Vì, kẻ sỹ có quan hệ trọng đại với quốc gia như thế, cho nên được quý chuộng không biết dường nào”. Giở lại trang sử nước nhà, chúng ta thấy ông cha ta đã có những chủ trương, quyết sách lớn trong việc đào tạo và trọng dụng nhân tài Chỉ tính từ thời nhà Lý (1010), qua nhà Trần, đến thời Lê – Mạc đã ghi những dấu mốc quan trọng về sự quan tâm đào tạo, trọng dụng nhân tài cho đất nước. Vào thời Lý, năm 1070, vua Lý Thánh Tông cho mở trường, lập văn miếu tại kinh đô Thăng Long, đúc tượng Khổng Tử để thờ. Năm 1075, triều đình mở khoa thi tam trường để lấy người có tài văn họcvào làm quan. Đây là khoa thi nho học đầu tiên ở nước ta, chọn được 10 người. Thủ khoa là Lê Văn Thịnh (vị tiến sĩ khai khoa). Được triều đình nhà Lý bổ đến chức Thái sư và là thày dạy của vua Lý Nhân Tông. Năm 1076 lập Quốc Tử Giám, đây là Trường đại học đầu tiên của nước ta. Đến năm 1086, mở khoa thi chọn người giỏi văn học để bổ vào Hàn lâm viện, Mạc Hiểu Tích đỗ đầu khoa thi này, được bổ làm Hàn lâm học sĩ.

Ở thời Trần, sau cuộc chiến tranh chống Nguyên Mông thắng lợi, nhà vua quyết định phục hồi kinh tế, phát triển văn hóa. Triều đình quy định chế độ học hành thi cử. Nhà nước lập Quốc học viện để các nho sĩ vào học. Ngoài các trường học của nhà nước, nơi thôn xóm còn có các lớp học do các nho sĩ tổ chức. Chính sách trọng dụng nhân tài được mở rộng. Dưới triều Trần có nhiều danh nhân văn hóa nổi tiếng được triều đình trọng dụng. Chưởng sử quan Lê Văn Hưu (1230-1322) đỗ bảng nhãn lúc 17 tuổi, làm quan dưới ba triều vua Trần. Ông được triều đình phong chức Hàn lâm học sĩ, được vua Trần Thái Tông ủy thác việc dạy dỗ Hoàng tử Trần Quang Khải. Rồi đến Mạc Đĩnh Chi (1272-1346), đỗ Trạng Nguyên vào năm 1304, được ban chức Hàn lâm học sĩ, được thăng tiếp là Thượng thư, đến cả chức Tể tướng. Tiếp đến là nhà giáo dục xuất sắc Chu Văn An (1292-1370), là nhà sư phạm, nhà nho tài đức đời Trần. Ông đậu Thái học sinh (tiến sỹ) nhưng không ra làm quan, mở trường dạy học tại quê. Học trò của ông rất đông, nhiều người thành đạt và ra giúp nước. Mãi sau theo lời mời của vua Trần Minh Tông, ông về Thăng Long giữ chức tư nghiệp (Hiệu trưởng) trường Quốc Tử Giám. Khi ông mất, được triều đình đưa vào thờ tại Văn Miếu, sĩ phu các đời sau đều xem ông là người thầy tiền bối, được tôn là “vạn tuế sư biểu”, người Thầy của muôn đời.

Đến thời Lê –Mạc, tính từ triều Lê sơ (1428). Vua Lê Thái Tông (1433-1442) cho phục hồi thi Hương, thi Hội như triều Trần. Năm 1442 mở khoa thi Đình, đỗ thi Đình gọi là tiến sĩ, người đứng đầu trong các tiến sĩ gọi là Trạng Nguyên. Cũng vào năm 1442, tiến sĩ Thân Nhân Trung vâng lệnh vua khắc bia đặt tại Văn Miếu với dòng chữ: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh và hưng thịnh. Nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp kém”.

Danh nhân thời Lê - Mạc tiêu biểu có Trình Quốc Công Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491- 1585).

Danh nhân tiêu biểu nữa thời Lê –Mạc là Lê Quý Đôn (1727- 1784). Thi Hương, thi Hội, thi Đình đều đỗ đầu. Từng được triều đình cử làm tư nghiệp Quốc Tử Giám. Sau khi ông mất được truy tặng Thượng thư bộ công.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nghĩ ngay đến việc đào tạo và trọng dụng nhân tài. Với trái tim nhân hậu và tấm lòng chân thành chiêu hiền đãi sĩ, Người đã quy tụ được anh tài bốn phương để vừa kháng chiến, vừa kiến quốc. Năm 1946 khi qua Pháp làm việc, Bác Hồ đã kêu gọi nhân sĩ, trí thức yêu nước hãy trở về Tổ quốc làm việc góp phần xây dựng đất nước. Nhiều nhà khoa học Việt Nam ở Pháp lúc đó như các vị: Trần Đại Nghĩa, Phạm Ngọc Thạch, Tôn Thất Thuyết, Phạm Huy Thông, Ngụy Như Kon Tum,…đã tự nguyện trở về, từ bỏ mọi vinh hoa phú quý để phục vụ cách mạng vì tinh thần yêu nước và tin tưởng của Đảng, của Bác Hồ.

Trong hai cuộc kháng chiến chống xâm lược, cứu nước, Đảng và chủ tịch Hồ Chí Minh với tầm nhìn chiến lược đã gửi ra nước ngoài để đào tạo, bồi dưỡng hàng vạn cán bộ khoa học, kỹ thuật thuộc nhiều lĩnh vực nhằm trực tiếp phục vụ kháng chiến và cho xây dựng đất nước khi kết thúc chiến tranh.

Trong những năm đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều cố gắng trong việc đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nhân tài. Cụ thể, Đảng có Nghị quyết Hội nghị Trung ương Bảy, khóa X, Nghị quyết số 27/ NQ/ TW khóa X và Nghị quyết số 20/ NQ/ TW khóa XI về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

4. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

Mặc dù đã đạt được những thành tựu, nhưng còn không ít việc cần phải triển khai, tháo gỡ. Chủ trương, đường lối, có cả một phần của chính sách (như Nghị định) về đào tạo, trọng dụng nhân tài đã có, nhưng việc vận dụng, triển khai còn nhiều bất cập, chậm trễ. Vấn đề nằm ở đâu? Phải chăng do thiếu một cơ chế? Hay việc vận dụng không nghiêm chỉnh?

Về cơ chế, chính sách nhằm sử dụng đúng bộ phận nguồn nhân lực chất lượng cao, trước mắt theo chúng tôi cần tập trung vào hai việc:

a) Tạo môi trường và điều kiện để họ cống hiến và sáng tạo

Số đông tri thức nước ta có môi trường làm việc phù hợp, được cơ quan, tổ chức tạo điều kiện, bản thân tự vươn lên, đã và đang có những thành tựu, đóng góp cho đất nước. Những thành tựu lớn lao của gần 30 năm đổi mới là công lao chung của gần 100 triệu nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong đó sự đóng góp của đội ngũ trí thức là rất to lớn. Bên cạnh đó còn không ít trí thức chưa thực sự được cống hiến và sáng tạo vì mấy lí do sau đây.

Hoặc chưa có việc làm. Với những người thuộc trường hợp này, thì cống hiến và sáng tạo đối với họ là điều xa lạ.

Hoặc đã có việc làm nhưng đang hành nghề không đúng với ngành nghề mình được đào tạo. Đây là một sự lãng phí đã quá rõ, nhưng đối với những người đó sự thiệt hại là không có điều kiện để cống hiến và sáng tạo, sớm muộn tài năng cũng bị mai một.

b) Nâng cao rõ rệt đời sống và lợi ích vật chất, tinh thần cho đội ngũ trí thức.

- Là con người, người trí thức cũng cần phải được đảm bảo về đời sống, được bảo về quyền lợi và lợi ích chính đáng mới cống hiến và sáng tạo được. Nhưng đời sống của người trí thức không phải chỉ là ăn, mặc, ở, phương tiện đi lại và tiêu dùng, mà còn yêu cầu cao hơn và đa dạng hơn. Như nơi ở, môi trường làm việc để phát huy khả năng sáng tạo và cống hiến. Như vậy, đối với người trí thức, đời sống vật chất và tinh thần là hài hòa, nhiều khi nhu cầu về mặt tinh thần cũng cần được chú trọng.

- Với một bộ phận trong đội ngũ trí thức (trí thức bậc cao như GS, PGS, TS) thì chế độ đãi ngộ cần rõ hơn, cao hơn nhằm thể hiện sự trọng dụng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1].   Bàn về Văn hiến Việt Nam, Vũ Khiêu. NXB Khoa học xã hội, 1996

[2].   Non nước Việt Nam, Tổng cục du lịch, NXB Du Lịch, Hà Nội, 2008

Các tin khác