12/5/2014 11:06:00 AM
Print: Print this Article Email: Print this Article Share: Share this Article

Phạm Văn Hiển

 

 

Trường Đại học Thủy lợi. Email: phamvanhien@wru.edu.vn

 

 


1. GIỚI THIỆU CHUNG

 

 

Thực hiện công cuộc đổi mới, Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào cộng đồng quốc tế. Trên lĩnh vực văn hóa, văn hóa Việt Nam cũng chịu sự tác động của quá trình ấy. Trong hội nhập văn hóa, chúng ta phải có những nguyên tắc nhất định để bảo vệ, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc cũng như tiếp thu những tinh hoa văn hóa thế giới.

 

 

Hội nhập là xu thế tất yếu của thời đại ngày nay. Nhận thức được xu thế thế đó, trong những năm qua Việt Nam đã chủ động tích cực hội nhập cộng đồng quốc tế. Quá trình hội nhập đã giúp chúng ta có điều kiện phát triển kinh tế cũng như vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế đã được khẳng định. Trên lĩnh vực văn hóa, chúng ta cũng chịu những tác động to lớn từ quá trình hội nhập ấy. Vì vậy, nghiên cứu vấn đề “Văn hóa Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa” có ý nghĩa lý luận và thực tiễn to lớn trong giai đoạn hiện nay.

 

 

2. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

 

 

- Phương pháp thu thập thông tin

 

 

- Phương pháp phân tích và tổng hợp

 

 

3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

 

 

3.1. Tính tất yếu của hội nhập văn hoá Việt Nam hiện nay

 

 

Giao lưu hội nhập văn hóa là một hiện tượng phổ biến của xã hội loài người, là một quy luật vận động và phát triển của văn hóa. Thông qua quá trình hội nhập văn hóa mà các dân tộc có điều kiện để học hỏi và tiếp nhận những giá trị của nhau. Chính nhờ có hội nhập văn hóa mà các nước, các khu vực chậm phát triển có cơ hội trở thành một nước phát triển trong thời gian ngắn vì kế thừa được các giá trị của các dân tộc, các khu vực phát triển.

 

 

Ngày nay, loài người đang bước vào giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực như kinh tế, chính trị, lối sống... Xu thế toàn cầu hóa là một hiện tượng mang tính tất yếu khách quan, nó xuất phát từ chính nhu cầu phát triển của nhân loại. Trong bối cảnh ngày nay, các quốc gia muốn phát triển thì không thể không tham gia vào quá trình này. Hội nhập quốc tế ngày nay đã đem lại nhiều thời cơ, đồng thời cũng hàm chưa nhiều thách thức cho sự phát triển của các quốc gia dân tộc. Vì thế, mỗi quốc gia dân tộc phải chủ động tham gia vào xu thế này. Thông qua hội nhập mà họ có điều kiện để kế thừa những yếu tố tích cực của thế giới và loại bỏ những yếu tố tiêu cực, hạn chế của mình tạo động lực cho sự phát triển. Lịch sử đã cho thấy quốc gia dân tộc nào biết tiếp thu những giá trị văn hóa, văn minh mới của nhân loại thì có sự phát triển, đồng thời những quốc gia nào đi ngược lại sẽ suy vong.

 

 

Quá trình hội nhập và giao lưu quốc tế trong lĩnh vực văn hóa là quy luật tất yếu, sự đối thoại giữa các nền văn hóa nhiều khi đóng vai trò quan trọng, thậm chí quyết định cho những cuộc đàm phán về biên giới, về lãnh thổ, về mâu thuẫn giữa các dân tộc. Hội nhập quốc tế trên lĩnh vực văn hóa cần tính đến các giá trị chung, giá trị nhân loại, đồng thời cũng thừa nhận sự khác biệt về văn hóa. Vì vậy, cần phải có cách thức để bảo vệ và phát huy nền văn hóa bản địa và văn hóa khu vực là trách nhiệm của từng dân tộc.

 

 

Sự phát triển của lực lượng sản xuất, sự gia tăng của hoạt động sản xuất, sự mở rộng của thị trường tiêu thụ hàng hóa đã dẫn đến sự hình thành các mối quan hệ quốc tế. Xu thế quốc tế hóa không chỉ diễn ra trong lĩnh vực kinh tế mà nó còn diễn ra trong tất cả các lĩnh vực như chính trị, pháp luật, văn hóa... Quốc tế hóa là quá trình phức tạp và chứa đựng nhiều mâu thuẫn và có tính chất hai mặt, đó là nó vừa có yếu tố tích cực nhưng đồng thời cũng chứa đựng những yếu tố tiêu cực, có cả thời cơ và cũng tồn tại những thách thức. Trong lĩnh vực văn hóa, chúng ta đã thấy rõ hiện tượng này, trên thế giới hiện đang có những lực lượng muốn áp đặt hệ giá trị của mình cho các nước khác, thông qua và lợi dụng quốc tế hóa để can thiệp vào nội bộ của các nước, buộc các nước phải lệ thuộc vào mình. Quốc tế hóa là điều kiện, là tiền đề cho hội nhập văn hóa, chuyển giao công nghệ hiện đại, liên kết trí tuệ, phát triển của các quốc gia dân tộc. Nhưng đồng thời, quốc tế hóa cũng có thể đánh mất bản sắc dân tộc, đánh mất chủ quyền quốc gia.

 

 

Gắn với xu thế toàn cầu hóa và sự phát triển của khoa học và công nghệ là cuộc cách mạng trên lĩnh vực thông tin đại chúng, thúc đẩy mạnh mẽ quá trình hội nhập văn hóa quốc tế. Sự phát triển trên lĩnh vực thông tin đại chúng một mặt chúng đem lại cho nhân loại một lượng thông tin khổng lồ và đáp ứng nhu cầu thông tin của của con người một cách nhanh nhất. Nó lôi kéo các quốc gia dân tộc và toàn nhân loại xích lại gần nhau về nhận thức, về tư duy, về thế giới tinh thần, đạo đức của con người. Nó phổ cập nhiều giá trị văn hóa, văn minh của nhân loại, kích thích sự sáng tạo, hưởng thụ, tiêu dùng các giá trị văn hóa. Mặt khác, nó cũng tạo ra những hậu quả khôn lường, đó là xu hướng đồng nhất hóa lối sống của các quốc gia dân tộc, đặc biệt là xu thế áp đặt văn hóa, áp đặt các mô hình và giá trị trong văn hóa. Đối với Việt Nam chúng ta, các thế lực thù địch đã và đang sử dụng hệ thống truyền thông và giao lưu, hội nhập văn hóa để thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” với mục đích nhằm xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn và đang xây dựng. Chống lại xu thế nhất thể hóa lối sống, áp đặt văn hóa là vấn đề giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc của nhiều quốc gia dân tộc, đây là xu hướng tích cực. Bên cạnh xu hướng tích cực đó, lại xuất hiện một xu hướng tiêu cực là khuyến khích sự trỗi dậy của chủ nghĩa cực đoan, nhằm gây ra những xung đột chính trị, xung đột văn hóa, tôn giáo, nhằm khuyến khích chủ nghĩa ly khai, hận thù dân tộc và khủng bố quốc tế... Những xu hướng ấy đều tác động đến văn hóa Việt Nam nói riêng và tác động đến đời sống xã hội nói chung. Vì thế, trên lĩnh vực văn hóa cần phải có sự định hướng cho phù hợp.

 

 

Quá trình hội nhập hóa không phải là quá trình bắt chước nước ngoài, mà nhằm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, cũng không phải chỉ vì giữ gìn bản sắc của mình mà đóng cửa không chịu hội nhập. Quá trình hội nhập văn hóa đồng thời phải tiếp thu những tinh hoa của tri thức nhân loại để làm thêm cho mình, làm phong phú thêm giá trị văn hóa cho mình. Do vậy, trong quá trình hội nhập văn hóa chúng ta phải đặt ra và thực hiện những nguyên tắc nhất định nhằm bảo vệ và phát triển giá trị văn hóa Việt Nam.

 

 

3.2. Những vấn đề có tính nguyên tắc trong giao lưu, hội nhập văn hóa

 

 

Hội nhập quốc tế là xu thế tất yếu trong giai đoạn hiện nay đối với mỗi quốc gia, mỗi dân tộc. Việt Nam thực hiện đường lối đổi mới đất nước, chúng ta chủ động hội nhập quốc tế trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, ngoại giao, văn hóa... Trên lĩnh vực văn hóa, hội nhập để kế thừa những giá trị văn hóa của nhân loại, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của nhân dân để văn hóa Việt Nam tiên tiến phù hợp với xu thế phát triển. Song xây dựng nền văn hóa Việt Nam cũng đòi hỏi phải đậm đà bản sắc dân tộc. Để đạt được yêu cầu đó, đòi hỏi trong quá trình hội nhập trên lĩnh vực văn hóa chúng ta cần phải tuân thủ những nguyên tắc nhất định. Theo chúng tôi những nguyên tắc đó là:

 

 

Một là;  hội nhập văn hóa phải có sự tiếp thu có chọn lọc những giá trị của các nền văn hóa khác.

 

 

Đối với Việt Nam, nhìn lại sự phát triển văn hóa, có thể nói giao lưu, hội nhập văn hóa đã tồn tại lâu đời trong đời sống văn hóa Việt Nam. Lịch sử phát triển văn hóa Việt Nam đã có sự tiếp thu nhiều giá trị văn hóa của các nền văn hóa khác nhau. Trong văn hóa Việt Nam đã có sự hiện diện của không ít các giá trị có tính chất thực hành, các hành vi văn hóa vốn có từ các nguồn gốc khác nhau như Trung Quốc, Ấn Độ, Pháp, Nga, Mỹ... Cùng với sự phát triển, sự hiện diện của các giá trị đó ngày càng được tăng cường bởi sự mở rộng hợp tác quốc tế cùng sự lan tỏa với cường độ cao của văn hóa, văn minh thông qua các phương tiện thông tin đại chúng trên pham vi toàn cầu.

 

 

Trong quá trình giao lưu và hội nhập văn hóa với các nước phát triển, chúng ta đã tiếp thu được nhiều giá trị và kinh nghiệm sáng tạo mới. Các tác phẩm văn hóa nghệ thuật nước ngoài chính là cầu nối trong việc truyền bá văn hóa thế giới đến với người Việt. Trong quá trình hội nhập với văn hóa toàn cầu, chúng ta cần phải chọn lọc những chuẩn mực giá trị mới phù hợp với mục tiêu phát triển văn hóa và nhân cách Việt Nam. Đó là những giá trị gắn liền với mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh; những giá trị gắn với sự phát triển đa dạng và toàn diện nhân cách; những giá trị gắn với chân - thiện - mỹ... Quá trình hội nhập, tiếp thu các giá trị nói chung và giá trị văn hóa nói riêng từ bên ngoài cần phải tránh tâm lý sính ngoại, tự ty dân tộc, coi của người khác là văn minh, là hiện đại còn của mình là lỗi thời, là lạc hậu.  Do vậy, việc tiếp thu những giá trị văn hóa của nhân loại phải có sự chọn lọc, phải dựa trên nền tảng của văn hóa dân tộc mình. Đối với Việt Nam thì nền tảng đó chính là những giá trị văn hóa truyền thống đã được hình thành và phát triển trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước được lưu truyền đến ngày nay.

 

 

Hai là; ngăn ngừa và đấu tranh chống sự xâm nhập các sản phẩm văn hóa độc hại.

 

 

Ngăn chặn sự xâm nhập các sản phẩm văn hóa độc hại là nhiệm vụ của tất cả các giai đoạn phát triển nhằm bảo vệ các giá trị của văn hóa dân tộc. Nhất là trong giai đoạn hiện nay, giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng, việc bảo vệ các giá trị văn hóa Việt Nam thật sự cần thiết để chống lại chiến lược “diễn biến hòa bình” mà các thế lực thù địch đang sử dụng để tấn công ta, với mục đích của chúng nhằm xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn và đang xây dựng.

 

 

Ba là; giới thiệu lịch sử, đất nước, con người và  văn hóa Việt Nam ra thế giới.

 

 

Đây là một trong những yếu tố quan trọng của giao lưu, hội nhập văn hóa ngày nay. Thông qua việc giới thiệu đó mà cộng đồng quốc tế ngày một hiểu biết sâu sắc về ta và làm bạn với ta. Trong quá trình hội nhập văn hóa, chúng ta không chỉ tiếp nhận các giá trị từ thế giới mà đồng thời chúng ta cũng phải đóng góp với những giá trị văn hóa của ta với cộng đồng quốc tế làm phong phú, đa dạng giá trị văn hóa của nhân loại. Hoạt động giao lưu, hội nhập văn hóa là hoạt động có vay và có trả. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhắc nhở: chúng ta không chịu vay mà không trả. Thông qua sự hiểu biết về ta mà cộng đồng quốc tế đã ủng hộ công cuộc đấu tranh để giải phóng dân tộc cũng như trong công cuộc đổi mới để xây dựng đất nước hiện nay.

 

 

Những giá trị của văn hóa truyền thống Việt Nam không chỉ có ý nghĩa đối với riêng đất nước ta, đặc biệt là tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, lối sống nhân văn cao cả, đoàn kết cộng đồng. Những giá trị ấy cũng có vai trò rất lớn đối với sự phát triển của nhân loại ngày nay. Nó là động lực to lớn để thúc đẩy các dân tộc không ngừng đấu tranh để bảo vệ mình trước sự xâm lược của chủ nghĩa đế quốc dưới những hình thức khác nhau.

 

 

4. KẾT LUẬN

 

 

Trong bối cảnh ngày nay, văn hóa Việt Nam tất yếu sẽ có sự giao lưu, hội nhập với văn hóa quốc tế. Quá trình giao lưu, hội nhập ấy đã đem lại nhiều giá trị mới nhưng cũng hàm chứa những nhân tố gây tác hại đến những giá trị văn hóa Việt Nam. Nhận thức vấn đề đó, trong bài viết này tác giả đã nghiên cứu và bước đầu nêu ra những nguyên tắc trong giao lưu, hội nhập văn hóa nhằm “xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

 

 [1].   Đảng Cộng sản Việt Nam (1998), Văn kiện Hội nghị lần thứ V Ban chấp hành Trung ương, khoá VIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

 

 

[2].    Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

 

 

[3].    Đảng Cộng sản Việt Nam (2006), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

 

 

[4].    Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, tập 3, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

 

 

[5].    Phan Ngọc (2002), Bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb. Văn học, Hà Nội.

 

 

[6].    Hồ Sỹ Vịnh (2008), Giao lưu văn hoá thời hội nhập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

 

 

Các tin khác