AN NINH NGUỒN NƯỚC VÀ NHỮNG THÁCH THỨC MỚI ĐẶT RA CHO KHOA HỌC CÔNG NGHỆ GIẢI QUYẾT MỘT SỐ VẤN ĐỀ CỐT LÕI ĐẾN PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN
Trang xvii |  PDF (Size KB)
Nguyễn Hoàng Hiệp

 

AN NINH NGUỒN NƯỚC VÀ NHỮNG THÁCH THỨC MỚI ĐẶT RA CHO KHOA HỌC CÔNG NGHỆ GIẢI QUYẾT MỘT SỐ VẤN ĐỀ CỐT LÕI ĐẾN PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN
 
Nguyễn Hoàng Hiệp
Thứ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

 

TÓM TẮT
 
Nước đã trở thành tài nguyên chiến lược thứ hai sau tài nguyên con người; nguồn nước đang suy thoái trầm trọng và khan hiếm nước diễn ra tại nhiều nơi; sự suy giảm chất lượng nước sẽ ảnh hưởng nặng nề đến phát triển kinh tế - xã hội và môi trường. An ninh nguồn nước (ANNN) là loại hình an ninh phi truyền thống có đặc điểm chung bao hàm yếu tố phi quân sự, liên quan đến các yếu tố tự nhiên, kinh tế - xã hội từ cả bên trong và bên ngoài lãnh thổ, phát tán nhanh, lan tỏa rộng, có tác động đến ổn định, phát triển bền vững của quốc gia. Tại Việt Nam, ANNN đang bị tác động bởi các yếu tố chủ yếu sau: (1) Nguồn nước phụ thuộc vào lượng nước sản sinh bên ngoài lãnh thổ; (2) Nguồn nước phân bố không đều theo thời gian và không gian, mất cân đối giữa nhu cầu dùng nước với khả năng trữ nước; (3) Phát triển kinh tế, gia tăng dân số dẫn đến nhu cầu dùng nước tăng, làm suy giảm nguồn nước, ô nhiễm môi trường trầm trọng; (4) Thách thức từ biến đổi khí hậu; (5) Suy giảm thảm thực vật nghiêm trọng, đặc biệt là rừng đầu nguồn và rừng ngập mặn, làm gia tăng các loại hình thiên tai; (6) Công tác quản lý và khai thác, sử dụng tài nguyên nước còn bất cập, ý thức trách nhiệm về sử dụng hiệu quả và tiết kiệm nước chưa cao.
 
Hiện nay tổng nhu cầu nước hàng năm của Việt Nam khoảng 101 tỷ m3, dự báo đến năm 2030 cần khoảng 111 tỷ m3, năm 2045 khoảng 130 tỷ m3. Về cơ cấu, nông nghiệp vẫn là ngành sử dụng nước nhiều nhất trong tương lai (nông nghiệp khoảng 83-85%, sinh hoạt 2-3%, công nghiệp 5-6%, môi trường 8-9%). Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế thông qua việc bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống, tạo sinh kế, việc làm và thu nhập ổn định cho người dân nông thôn, góp phần quan trọng ổn định chính trị - xã hội và phát triển đất nước. Đến hết năm 2020 và cả 5 năm 2016 ÷ 2020, các chỉ tiêu chủ yếu của ngành đều đạt và vượt mục tiêu đề ra, nổi bật như: tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành tăng 2,62%/năm, vượt mục tiêu đề ra; tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 5 năm đạt trên 194 tỷ USD; hết năm 2020, ước có trên 62% xã đạt chuẩn nông thôn mới,… Để ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục đảm trách vai trò trụ đỡ bền vững của nền kinh tế, Chiến lược phát triển Nông nghiệp và Nông thôn bền vững giai đoạn 2021÷2030, tầm nhìn đến năm 2045 hướng đến mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới thông qua ba trụ: Nông nghiệp sinh thái, Nông thôn hiện đại, và Nông dân thông minh. Để hiện thực hoá được mục tiêu chiến lược của ngành, Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đóng một vai trò hết sức quan trọng. Bài viết này sẽ trình bày “An ninh nguồn nước và những thách thức mới đặt ra cho khoa học công nghệ giải quyết một số vấn đề cốt lõi đến phát triển nông nghiệp, nông thôn”.
 
- Tiểu sử ngắn: Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp, phụ trách và quản lý các lĩnh vực: Thuỷ lợi, phòng chống thiên tai; công tác xây dựng cơ bản; pháp chế; thanh tra, kiểm tra; giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; quản lý doanh nghiệp có vốn Nhà nước thuộc Bộ; sắp xếp, đổi mới hoạt động các công ty nông, lâm nghiệp nhà nước. Trước đó, ông Nguyễn Hoàng Hiệp từng đảm nhiệm vị trí Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Bắc Kạn (4/2014÷3/2019), Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia (01/2012÷3/2014); Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đoàn khóa IX, Phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam (12/2007÷12/2011).

 

Xem thêm...